Huyện Đăk Tô làm tốt công tác chuẩn bị năm học mới

22/08/2017 07:06

​Năm học 2017-2018 đến gần. Tại các trường học trên địa bàn huyện Đăk Tô, công tác chuẩn bị cho ngày tựu trường cơ bản đã hoàn tất.

Năm học mới này, Trường Mầm non Sao Mai (thị trấn Đăk Tô) có gần 700 học sinh đăng ký theo học; trong đó có 590 em học bán trú. Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ năm 2011, phấn đấu năm học 2017-2018 trở thành trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Điểm mới của trường trong năm học này là sự hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Với nguồn vốn đầu tư gần 9 tỷ đồng, 8 phòng học được xây mới khang trang, kiên cố, phục vụ tốt cho công tác học tập, giảng dạy trong nhà trường.

Cô Dương Thị Bản – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, Trường bố trí đầy đủ 2 giáo viên/lớp đối với học sinh bán trú. Trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ bàn ghế, đồ chơi, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sẵn sàng phục vụ tốt cho năm học mới.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018 được nhiều trường học trên địa bàn huyện khẩn trương tiến hành. Để đảm bảo hiệu quả dạy và học, ngay từ đầu hè, Trường THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Đăk Tô) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, trường còn kiên cố hóa các phòng học, xây mới nhà vệ sinh, quét sơn tường và sửa chữa lại toàn bộ bàn, ghế học sinh.

Trường THCS Lương Thế Vinh sơn sửa lại các phòng học. Ảnh: Q.Đ

 

Thầy giáo Lê Đình Hiền – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Sau khi kết thúc năm học 2016-2017, Trường đã tham mưu UBND huyện và Phòng GD&ĐT cấp kinh phí sửa chữa lại 8 phòng học, đặc biệt là xây mới khu nhà vệ sinh 6 phòng. Bên cạnh đó, nhà trường còn trích nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm để tu sửa thêm 4 phòng học, khu hiệu bộ và phòng thư viện; sửa chữa gần 300 bộ bàn ghế học sinh, cơ bản đảm bảo phục vụ năm học 2017-2018.

Năm học 2017-2018, toàn huyện Đăk Tô có 35 trường; trong đó bậc mầm non 13 trường, cấp tiểu học 13 trường, THCS 9 trường (1 trường phổ thông dân tộc bán trú) với 522 lớp (tăng 6 lớp), tổng số học sinh là 13.672 em, tăng 570 em so với năm học 2016-2017. Toàn huyện có 615 phòng học; trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố chiếm tỷ lệ trên 99,5%, phòng học tạm chiếm gần 0,4%. Huyện đã hỗ trợ kinh phí hơn 6 tỷ đồng để các trường hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ tốt cho công tác học tập, giảng dạy trong nhà trường.

Đến nay, về cơ bản, huyện Đăk Tô đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018. Năm học này, huyện đã tuyển dụng thêm 26 giáo viên, đáp ứng công tác giảng dạy tại các trường, không còn thiếu như năm học trước.

Trước thềm năm học mới, ngành GD&ĐT huyện cũng đã tăng cường rà soát, tổ chức các đợt cấp phát vở, sách giáo khoa cho học sinh có điều kiện khó khăn, đảm bảo không có học sinh nào thiếu sách giáo khoa khi đến trường.

Cùng với đó, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum cũng hỗ trợ hơn 29.400 quyển vở cho gần 5.900 học sinh thuộc 14 trường nằm trong vùng cung ứng dịch vụ môi trường rừng của huyện để các em an tâm đến trường.

Mặt khác, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Đăk Rơ Nga cấp phát đầy đủ các chế độ, chính sách; tạm ứng 29.430kg gạo tháng 9, 10 cho 981 em học sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Một lớp học tại Trường Mầm non Sao Mai thị trấn Đăk Tô. Ảnh: Q.Đ

 

Ngoài ra, Phòng cũng chỉ đạo các trường sử dụng sách giáo khoa trong thư viện nhà trường cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn mượn để học tập.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018, ông Hồ Văn Châu – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư xây dựng bổ sung, song vẫn chưa đáp ứng cho việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, công tác bồi dưỡng, phụ đạo học sinh. Nhiều trường chưa được đầu tư xây dựng các phòng chức năng, nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện, y tế...

Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm là cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi dành cho học sinh tại các điểm lẻ của các trường mầm non, trường tiểu học ở các xã vùng sâu vùng xa còn thiếu thốn. Kinh phí chi cho giáo dục chủ yếu dành chi lương và các khoản theo lương, phần chi cho hoạt động chuyên môn thấp. Các nguồn lực tài chính để thực hiện một số mục tiêu lớn còn hạn hẹp. Đa số gia đình học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế còn khó khăn nên có nhiều hộ không có khả năng mua sắm đủ đồ dụng, dụng cụ học tập cho con em mình như vở, sách giáo khoa, cặp... cũng đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. 

Quang Định

Chuyên mục khác