Huyện Đăk Tô: Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

25/06/2019 06:00

Là huyện miền núi, trên 50% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, huyện Đăk Tô đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp quan tâm hỗ trợ hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Trong đó, địa phương đặc biệt chú trọng phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân.

Ông Võ Trọng Phúc - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đăk Tô cho biết: Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của huyện và nhu cầu của người dân, huyện xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ. Quá trình tổ chức được thực hiện dân chủ, công khai dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của huyện; qua đó, phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung và xử lý nghiêm các tiêu cực xảy ra.

Giai đoạn 2014 - 2019, thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện Đăk Tô đã có 1.365  hộ được thụ hưởng, tổng kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng.  Đồng thời, với chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn huyện có 1.607 hộ được thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng. 

Ngoài chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 755/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg, trên địa bàn huyện còn triển khai nhiều chính sách cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn vốn để thực hiện phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất của hộ gia đình, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số có tiền để đi học tại các trường đại học, cao đẳng trong nước, có cơ hội đi xuất khẩu lao động để tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Trong 5 năm, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã có 43.888 lượt hộ gia đình được vay hơn 1.017 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, trên địa bàn huyện còn triển khai một số chương trình, dự án như: Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã với hơn 300 hộ tham gia, tổng số tiền 213 triệu đồng. Riêng xã Kon Đào triển khai mô hình thí điểm Dự án chăm sóc cà phê bằng sản phẩm phân bón sinh học bảo vệ môi trường tạo sinh kế giảm nghèo bền vững có 20 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo tham gia, với tổng số tiền 340 triệu đồng.

Theo ông Võ Thanh Mẫn- Chủ tịch UBND xã Kon Đào, xã có 8 thôn, trong đó có 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đều giảm theo kế hoạch; người dân được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ phát triển sản xuất, con giống… Hiện, xã Kon Đào còn khoảng 7,4% số hộ nghèo.

Đến thăm mô hình phát triển cây cà phê sử dụng phân sinh thái của gia đình A Thanh Tú, ở thôn Kon Đào 1 (xã Kon Đào), chúng tôi được người nông dân này cho biết, năm 2013, dùng hết số tiền dành dụm được, vợ chồng anh trồng được 5 sào cà phê. Năm 2015, đến thời kỳ thu hoạch thì vườn cây cho trái rất ít. Qua tìm hiểu từ các nhà vườn trồng cà phê, anh A Thanh Tú phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mật độ cây trồng quá dày. Với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng anh đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng lại 5 sào cà phê.

“Năm 2017, sau khi đăng ký tham gia vào mô hình phát triển cây cà phê sử dụng phân sinh thái, tôi được tập huấn, hướng dẫn rất kỹ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê nên đến nay vườn cây đã phát triển rất tốt, cho trái trĩu quả. Ngoài được hỗ trợ phân bón và cách thức chăm sóc cây cà phê, gia đình tôi còn được hỗ trợ trồng xen 30 cây sầu riêng từ dự án để thử nghiệm mô hình, đồng thời giúp gia đình có cơ hội tăng thêm nguồn thu nhập về sau” - anh A Thanh Tú chia sẻ.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Đăk Tô luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, nhờ đó đã phát huy hiệu quả thiết thực. Nhiều lao động tại địa phương đã có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất, tăng thu nhập. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã có hơn 1.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề ngắn hạn; đồng thời giới thiệu cho gần 370 lao động có việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Đặc biệt, để giúp người dân tự tạo việc làm, tăng thu nhập, từ nguồn ngân sách huyện đã hỗ trợ cho một số làng khôi phục nghề dệt thổ cẩm và thành lập tổ hợp tác bó chổi đót.

Người dân tham gia Tổ hợp tác bó chổi đót để phát triển kinh tế. Ảnh: LN

 

Thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần vào giảm tỷ lệ nghèo của huyện từ 17,32% (năm 2016) xuống còn dưới 14% (năm 2018); hệ thống đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi; 100% thôn, làng được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã, thị trấn có trụ sở UBND được xây dựng khang trang…      

L.N

Chuyên mục khác