Huyện Đăk Hà thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU của Tỉnh ủy

28/12/2019 06:22

Triển khai Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện 3 lĩnh vực đột phá năm 2019, ngày 1/3/2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Hà ban hành Chương trình số 98-CTr/HU thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, trong đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho từng lĩnh vực cụ thể. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng lĩnh vực nêu trên.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Trung - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đăk Hà cho biết: Qua gần 1 năm thực hiện, bước đầu huyện Đăk Hà đạt được một số kết quả đáng khích lệ; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; làm tiền đề thực hiện có hiệu quả hơn công tác thu hút đầu tư, xây dựng, chỉnh trang đô thị, cải cách hành chính, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong những năm tới. 

Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cây dược liệu gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu sản phẩm, huyện Đăk Hà thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê; thành lập Tổ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã; hình thành mới các tổ hợp tác dược liệu và lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 21 mô hình, gồm 13 cánh đồng cà phê, 6 cánh đồng lúa nước, 1 cánh đồng cao su và 1 cánh đồng rau hoa.

 

Cánh đồng sản xuất thương hiệu lúa thơm Hải Ngọc ở xã Đăk La. Ảnh: QĐ

 

Huyện đã quy hoạch vùng trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao 50 ha tại tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà; vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao quy mô 500 ha tại các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọc và thị trấn Đăk Hà; vùng sản xuất cao su tại các xã Đăk La, Đăk Hring, Ngọc Wang; vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 1.000 ha, tập trung trên địa bàn các xã Đăk La, Đăk Ngọc và thị trấn Đăk Hà; vùng sản xuất mì tập trung tại xã Đăk Ngọc, Ngọc Wang, Ngọc Réo. Quy hoạch vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê vối theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, thực hiện trên địa bàn các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọc, Đăk Hring, Đăk Long và thị trấn Đăk Hà với quy mô 750 ha theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn; cấp phát chế phẩm sinh học sử dụng trên cây lúa nước vụ đông xuân 2018-2019 với diện tích 326 ha/1.880 hộ tham gia; hỗ trợ 95 kg chế phẩm BIO-KT để nhân dân xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón; hỗ trợ người dân xây dựng nhà bạt trồng rau hoa với quy mô 4 ha, trong đó nhà nước hỗ trợ đầu tư 3.475m2/4 hộ tham gia; triển khai thực hiện mô hình cây sa nhân tím trên địa bàn xã Ngọc Réo với quy mô 2 ha/41 hộ.

Ngoài ra, nhân dân các xã, thị trấn triển khai trồng các loại cây như sả, nghệ, gừng, ngải cứu, kari, đinh lăng với tổng diện tích 60,12 ha; hình thành cánh đồng mẫu lớn và đưa vào trồng mới 100 ha cà phê tại thôn Kon Klốc, xã Đăk Mar; xây dựng vùng chuyên canh trồng rau tại xã Đăk Ngọc với quy mô 24 ha; triển khai thực hiện mô hình trồng lúa thơm tại xã Đăk La với diện tích 75 ha, tăng 45 ha so với năm 2017.

Công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được huyện chú trọng. Đáng chú ý, huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại thôn 2 (xã Đăk Mar) với quy mô gần 5ha; Công ty TNHH sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát đầu tư dự án trồng cây ăn quả công nghệ cao theo mô hình nông lâm kết hợp triển khai tại tiểu khu 320, 321 xã Đăk Pxi, trong đó cây sầu riêng và cây mít 220 ha, cây giổi ăn hạt 45 ha... với tổng vốn đầu tư 756 tỷ đồng. Dự án này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap do Công ty Tư vấn xây dựng tiêu chuẩn GlobalG.A.P tư vấn suốt quá trình trồng, chăm sóc cho đến khi ra sản phẩm đưa đi tiêu thụ; ứng dụng công nghệ cao cho hệ thống tưới tự động phun sương bằng béc bù áp cho 220ha cây trồng ngoài trời như sầu riêng và mít.

Huyện Đăk Hà quan tâm đẩy mạnh chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng tỷ lệ bán tự động, điện khí hóa, cơ khí hóa. Đến nay, toàn huyện có khoảng 574 máy kéo các loại, 15 máy gặt đập liên hoàn, 1.031 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 1.663 thiết bị tưới, 2.878 máy bơm nước... Tỷ lệ các các công đoạn được cơ giới hóa trong khâu làm đất và bơm nước 100%; khâu gieo cấy 45%; khâu thu hoạch 98%; khâu sấy, tuốt, đập, tách hạt 70%; khâu vận chuyển 98%.

Thị trấn Đăk Hà ngày càng khang trang. Ảnh: XB

 

Thời gian qua, huyện Đăk Hà tiến hành xây dựng và công bố Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị trấn Đăk Hà tại trung tâm hành chính huyện; triển khai bê tông hóa 9,6 km đường giao thông, phát quang 48.000m2 đường giao thông; duy tu, sửa chữa và làm mới một số đoạn giải phân cách mềm dọc tuyến đường Hùng Vương; đấu nối, cấp nước sạch cho 838 hộ ở thị trấn; buộc tháo dỡ 3 công trình lấn chiếm vỉa hè đường Hùng Vương; thường xuyên ra quân chấn chỉnh các hoạt động vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ; lập dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nam Đăk Hà (tổ dân phố 2A, thị trấn Đăk Hà), với diện tích khảo sát, lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khoảng 9,4 ha; hoàn thiện Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư tổ dân phố 10, thị trấn Đăk Hà; ban hành thiết kế mẫu vỉa hè sử dụng mẫu gạch block trên địa bàn thị trấn Đăk Hà, xã Hà Mòn và Đăk Mar; xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện.

Về cải cách hành chính, định kỳ hàng năm, huyện tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện; duy trì công tác tiếp công dân của chủ tịch UBND huyện vào ngày 10, 20, 30 hàng tháng; công khai trên trang thông tin điện tử của huyện tất cả các thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố; đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ các xã, thị trấn đến huyện trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân (327 thủ tục hành chính thực hiện 100% tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã là 159).

Huyện đã triển khai thực hiện phần mềm quản lý văn bản eOffice, chữ ký số, chứng thư số tại 100% cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND các xã, thị trấn; sử dụng eOffice trong xử lý văn bản, phần mềm về tài chính - kế toán; triển khai 100% cơ quan chuyên môn huyện và 5/11 xã, thị trấn sử dụng chữ ký số trong giao dịch; xây dựng kế hoạch áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO TCVN 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO TCVN 9001:2015 vào hoạt động của UBND các xã, thị trấn; triển khai thí điểm 2 xã Đăk Mar, Ngọc Wang tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong ngày; thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết của 70 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; đăng ký bổ sung 17 danh mục Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. 

Quang Định

Chuyên mục khác