Huy động mọi nguồn lực cho giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào DTTS

12/04/2024 13:52

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực xã hội cho công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Qua đó, góp phần vào việc huy động học sinh đồng bào DTTS ra lớp, duy trì sĩ số học sinh và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Năm 2023, tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho các chính sách giáo dục vùng DTTS, vùng khó khăn của tỉnh là 270,676 tỷ đồng. Trong đó, chi theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 về chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập là 105,880 tỷ đồng; chi theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 về hỗ trợ tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh, mua sắm tủ thuốc dùng chung là 87,128 tỷ đồng; chi theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 về hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh DTTS rất ít người là 2,949 tỷ đồng; chi theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 về hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo là 32,480 tỷ đồng; chi theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 về chính sách hỗ trợ giáo dục đối với học sinh khuyết tật là 6,066 tỷ đồng; chi theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 29/5/2009 về chi trả học bổng học sinh dân tộc nội trú là 36,173 tỷ đồng.

Huy động nguồn lực của xã hội để cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: T.L

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa XII thông qua “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Đề án này, trong năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục đã thực hiện 11.222 tiết dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh DTTS trước khi vào lớp 1 với kinh phí thực hiện là 305,352 triệu đồng; tổ chức dạy 565.422 tiết dạy phụ đạo cho học sinh DTTS với kinh phí 17,95 tỷ đồng; tổ chức 876 tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh tham gia thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với kinh phí là 664,170 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia hỗ trợ giáo dục, như thông qua các Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “Thư viện ước mơ”, “Cặp lồng cơm đến lớp”, “Đông ấm” với tổng kinh phí hỗ trợ là 42,036 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục huy động có hiệu quả các nguồn vận động hỗ trợ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ các em khi bị đau ốm, bệnh tật.

Học sinh được hỗ trợ ăn ở bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: TL

 

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đảm bảo đủ sách vở cho học sinh thông qua Chương trình “Sách cũ cho năm học mới”, “Tủ sách dùng chung”, “Đảm bảo sách giáo khoa và các điều kiện học tập cần thiết cho học sinh”.

Bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, thời gian đến, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo dục của Nhà nước (miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chế độ bán trú…); đảm bảo chi trả đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS, miền núi của Trung ương và địa phương, gắn với triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2021-2025. Ngành cũng sẽ huy động mạnh mẽ nguồn lực của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm nhằm đầu tư trường lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ học sinh vùng đồng bào DTTS học bổng, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, bữa cơm bán trú, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả học sinh yên tâm đến lớp, để học sinh thật sự cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui”.

Tấn Lộc

Chuyên mục khác