Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe

31/05/2018 06:59

​ Nghiên cứu khoa học cho thấy, thuốc lá gây ra 4 bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới, đó là cơn đau tim, tai biến mạch máu não, ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn. Ngoài ra, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người hút thuốc lá, trong đó nam giới giảm số lượng tinh trùng, giảm hoạt động tinh trùng, liệt dương, dễ vô sinh và nữ giới sẽ giảm kích thích tố nữ, gây tắt kinh sớm, gây vô sinh, loãng xương dẫn đến gãy xương đùi, xẹp cột sống.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đối với thai nghén, phụ nữ hút thuốc lá dễ có thai ngoài tử cung, sẩy thai do bong nhau, nhau tiền đạo và thai chết lưu. Hoặc nếu sinh được thì dễ bị sinh non, thai nhẹ cân, thai nhi dị dạng, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh. Người mẹ hút thuốc lá còn gây những ảnh hưởng lâu dài cho trẻ về sau, trong đó có nguy cơ trẻ chậm phát triển, kém thông minh, dễ trầm cảm, rối loạn hành vi, dễ nghiện và dễ gây ung thư hơn trẻ khác.

Đối với công nhân, nông dân hút thuốc lá sẽ làm tăng rõ rệt nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Những người hút hơn 20 điếu thuốc một ngày sẽ dễ bị cườm mắt gấp 2 lần người không hút thuốc lá và những nếp nhăn trên da sẽ nhiều hơn, sâu hơn, nên trông già hơn tuổi. Ngoài ra, tóc dễ bị bạc, dễ bị rụng hơn; dễ bị viêm quanh chân răng, giảm sức nghe, giảm hocmon tuyến giáp, dễ bị loét dạ dày và dễ bị són tiểu hơn, nhất là phụ nữ…  

Một vấn đề khác ngày càng được nhiều nhà khoa học quan tâm, đó là việc hút thuốc lá thụ động. Bởi vì, trong khói thuốc lá thải vào môi trường có nhiều chất độc có nồng độ còn cao hơn trong khói của chính người hút thuốc lá phả ra. Trong đó, trẻ con là nạn nhân chính của việc hút thuốc lá thụ động. Những đứa trẻ này dễ bị các bệnh nhiễm trùng hầu họng, viêm phổi, viêm phế quản, phát bệnh suyễn, kể cả đột tử. Các bệnh khác như: chàm, viêm tai, bệnh não mô cầu cũng dễ xảy ra hơn ở trẻ bị hút thuốc lá thụ động. Người vợ có chồng hút thuốc lá dễ bị bệnh mạch vành, dễ bị ung thư phổi từ 1,2 – 2 lần so với các bà vợ có chồng không hút thuốc lá.

Từ ngày có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012 đến nay, hàng năm, Sở Y tế đã tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị, diễu hành, treo băng rôn, khẩu hiệu về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào dịp 31/5 – ngày Thế giới không thuốc lá. Đến năm 2014, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) được thành lập. Từ đó đến nay, cùng với kinh phí của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Trung ương hỗ trợ, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, trong năm 2017 vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 với 300 đại biểu là các sở, ban, ngành, học sinh tham dự, đồng thời tổ chức in và treo 31 băng rôn tuyên truyền các loại treo tại cơ quan, đơn vị và trên các trục đường chính của thành phố Kon Tum; phát thông điệp phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng xe loa trên các trục đường chính của thành phố Kon Tum 10 lần. Đồng thời, tổ chức 1 đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện môi trường không thuốc lá tại 4 đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Để triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, bác sĩ Đào Duy Khánh cho biết thêm: Hiện nay, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh đã có Công văn số 1435/BCĐ-PCTHTL, ngày 17/5/2018 đề nghị UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, tập trung truyên truyền về quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, các nơi làm việc trong nhà của nhà hàng, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đặc biệt, nêu rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, nghĩa vụ của người hút thuốc lá, quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng chống tác hại của thuốc lá, các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Cấm quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức. Cấm bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa của việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá và nên gương các mô hình, các cá nhân ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt các quy định về môi trường không khói thuốc lá và các tấm gương cá nhân đã bỏ được thuốc lá để toàn xã hội noi theo.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác