Hướng tới xây dựng “Làng sức khỏe”

20/12/2018 13:19

​Sở Y tế vừa có chuyến kiểm tra, thẩm định kết quả xây dựng mô hình Cộng đồng tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích hướng tới xây dựng Làng sức khỏe tại huyện Đăk Hà (gọi tắt là mô hình). Đây là mô hình thí điểm đã được ngành Y tế tỉnh tổ chức triển khai trong 2 năm nay (từ tháng 12/2016-12/2018) để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Bà Võ Thị Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) cho biết: Sau 2 năm triển khai mô hình, 8 thôn trên địa bàn xã Đăk Mar đều được triển khai thực hiện. Từ khi mô hình được triển khai, nhận thức và kiến thức của người dân về các nội dung liên quan đến vệ sinh, sức khỏe như sử dụng nguồn nước sạch, xây bể chứa nước, nhà tắm, công trình vệ sinh hộ gia đình, nước thải, rác thải… đều được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, xã Đăk Mar đã có 8/8 thôn thành lập được Tổ tự quản về chăm sóc sức khỏe để tổ chức triển khai hoạt động và giám sát việc thực hiện cam kết chăm sóc sức khỏe của người dân tại thôn; 8/8 thôn thành lập được 43 nhóm hộ gia đình tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích tại thôn; 6/8 thôn đạt 4 tiêu chí của mô hình, đạt 75% so với kế hoạch đề ra. So với đầu kỳ triển khai mô hình, toàn xã đã tăng 12,3% số hộ gia đình thực hiện tốt công tác vệ sinh gia đình, thu gom rác thải, không để dụng cụ phế thải chứa nước và không có lăng quăng bọ gậy; tăng 5,86% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và giảm 0,94% số vụ tai nạn thương tích…

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk La (huyện Đăk Hà) cho biết: Mô hình triển khai tại các thôn trên địa bàn đã đem lại kết quả rất thiết thực. So với đầu kỳ triển khai mô hình, toàn xã đã tăng 6,4% số hộ gia đình thực hiện tốt công tác vệ sinh gia đình, thu gom rác thải, không để dụng cụ phế thải và không có lăng quăng bọ gậy; tăng 4,7% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm 23% số vụ tai nạn thương tích…

Kiểm tra vệ sinh tại thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà

 

Tính từ tháng 12/2016 đến nay, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức triển khai thí điểm mô hình được tại 105 thôn, tổ dân phố của huyện Đăk Hà. Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà cho biết, thời gian qua, các mô hình triển khai trên địa bàn đều mang lại hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đều tích cực vào cuộc để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, phòng chống tai nạn thương tích tại gia đình và cộng đồng.

Để phát huy tính tự chủ của người dân, hoạt động của mô hình tại các thôn (làng) từng bước được điều chỉnh, thay đổi theo hướng thực hiện sinh hoạt nhóm hộ gia đình, nâng cao sự tương tác giữa những người tham dự. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 506 nhóm hộ gia đình tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích sinh hoạt tại 105 tổ tự quản về chăm sóc sức khỏe. Các nhóm hộ tự quản đã tổ chức 2.481 lượt kiểm tra lẫn nhau để đánh giá sự thay đổi của các hộ trong nhóm. Các tổ tự quản tại thôn đã tổ chức 2.261 lượt tuyên truyền tại hộ gia đình về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích tại các thôn.

Nhờ đó, toàn huyện đã tăng 3,54% số hộ gia đình thực hiện tốt công tác vệ sinh gia đình, thu gom rác thải, không để dụng cụ phế thải chứa nước và không có lăng quăng/ bọ gậy; tăng 6,59% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; giảm 11,15% số ca mắc tai nạn thương tích.

Đến thời điểm hiện nay, sau 2 năm thực hiện mô hình, toàn huyện đã có 56/105 thôn thực hiện được 4 tiêu chí của mô hình đề ra. Kiến thức và nhận thức của người dân về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống tai nạn thương tích được nâng cao. Điều kiện môi trường sống của người dân từng bước được cải thiện. Tình hình dịch bệnh trong huyện nhìn chung tương đối ổn định, không có dịch lớn xảy ra. Số ca mắc các bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, quai bị giảm so với cùng kỳ năm trước. Các ổ dịch xuất hiện đều được phát hiện sớm và chủ động triển khai các biện pháp khống chế, điều trị kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Thông qua mô hình, công tác phối kết hợp giữa các ngành, đoàn thể được tăng cường. Từ đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tại huyện Đăk Hà tham mưu UBND huyện và xã kiện toàn, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo các cấp gắn với nhiệm vụ triển khai hoạt động của mô hình.

Bên cạnh đó, Sở Y tế còn chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn các trạm y tế tham mưu UBND xã bổ sung các chỉ tiêu về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của xã, đồng thời triển khai các hoạt động của mô hình trong quá trình hoạt động tại cơ sở, đảm bảo hoạt động triển khai được đồng bộ theo kế hoạch đề ra.

Bác sĩ Đào Duy Khánh cho biết, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình theo hình thức cộng đồng tự quản, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chỉ đề ra định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện tại cộng đồng, nhằm tăng cường sự tham gia, phát huy tính tự chủ của người dân trong quá trình hoạt động; việc nhân rộng mô hình sẽ thực hiện theo nguyên tắc ngành Y tế tham mưu, chính quyền địa phương chủ trì chỉ đạo triển khai hoạt động tại cơ sở, nhằm đảm bảo có thể huy động tốt nhất sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và người dân.

Bài và ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác