27/10/2023 06:03
Trong những năm qua, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP về công tác dân tộc, các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được triển khai đồng bộ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, qua đó, thu nhập bình quân đầu người ở địa bàn này tiếp tục tăng.
|
Nhờ vậy, hiện nay ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã không còn tình trạng thiếu đói kinh niên, không còn cảnh đứt bữa. Từ nguồn lực của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cùng với tiềm năng về phát triển sản xuất nông nghiệp việc cung ứng lương thực, thực phẩm đã cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn còn là một thách thức lớn. Một số lượng không nhỏ trẻ em đồng bào DTTS chưa được bảo đảm dinh dưỡng trong từng bữa ăn hằng ngày.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI) về công tác thúc đẩy và tiếp cận liên ngành hướng tới nông nghiệp dinh dưỡng tại vùng đồng bào DTTS xã Đăk Nên, huyện Kon Plông cho thấy: Hiện nay, do có tính mùa vụ, nên vẫn có những thời điểm người dân đôi khi còn thiếu ăn; khoảng cách và thời gian để đi kiếm thức ăn ngày một xa và lâu hơn; không có nguồn dự trữ hạt giống từ rừng; nguy cơ mất đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng vì thiếu hiểu biết về dinh dưỡng và sức khỏe còn khá phổ biến.
Theo bà Đặng Tố Kiên- chuyên gia Viện SPERI, tuy còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận sử dụng lương thực, thực hành về dinh dưỡng trong vùng đồng bào DTTS như địa bàn xã Đăk Nên, nhưng theo khảo sát, nguồn thực phẩm từ rừng còn rất phong phú; một số sản phẩm từ rừng có giá trị kinh tế, dinh dưỡng và giá trị dược liệu; các sản phẩm từ rừng và món ăn địa phương có thể thu hút khách du lịch. Đây cũng là điều kiện để nghiên cứu giúp người dân tiếp cận để phát triển nông nghiệp dinh dưỡng trên địa bàn.
|
“Để người dân có kiến thức thực hành dinh dưỡng, thời gian qua, Viện SPERI đã hướng dẫn, hỗ trợ hình thành các mô hình vườn rau hộ gia đình tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, nhằm tạo thói quen trồng rau làm thực phẩm hằng ngày. Đồng thời, đề xuất di thực 6 loài rau rừng về trồng tại vườn cùng với một số giống rau thông thường, vừa cải thiện dinh dưỡng, rút ngắn quãng đường thu hái, và bảo tồn loài” - bà Đặng Tố Kiên cho hay.
Thông qua các hoạt động này, vừa hỗ trợ tăng cường năng lực cho cán bộ địa phương và người dân các trong vùng đồng bào DTTS hiểu rõ hơn những thách thức đang phải đối mặt với môi trường thực phẩm tại địa bàn. Thông qua đó, nhận thức rõ hơn tính đa dạng bị mất đi và sự cần thiết phải phục hồi loài tại chính môi trường địa phương. Cùng với đó là hướng tới xây dựng môi trường thực phẩm địa phương lành mạnh, dinh dưỡng, đa dạng sinh thái và phù hợp với văn hóa địa phương; tìm kiếm thêm các giải pháp hướng tới hài hòa việc phát triển kinh tế và đảm bảo ngưỡng bền vững của hệ sinh thái và văn hóa bản địa ở địa phương.
Ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh cho rằng, hiện nay cùng với xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, thì việc tổ chức các chương trình tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng (lập kế hoạch sản xuất, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh) cũng là một bước để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn thì sự đồng hành của người dân có ý nghĩa quan trọng để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm dinh dưỡng. Qua đây, cũng góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.
Quốc Tuấn