Hướng đi mới của xã biên giới Ia Đal

30/11/2019 06:19

Về Ia Đal (huyện Ia H’Drai) những ngày cuối năm trong tiết trời se lạnh, tôi chứng kiến không khí khẩn trương của Đảng bộ và nhân dân xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các phần việc của năm theo kế hoạch đề ra.

Dọc hai bên đường, những chuyến xe tải chạy tấp nập chở vật liệu xây dựng. Hỏi chuyện mới biết, huyện, xã đang hoàn tất con đường bê tông dài hơn 5km nối trung tâm xã đến ngã ba Đồn Biên phòng Ia Đal.

Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ia Đal - Phùng Ngọc Chiến vui vẻ cho biết: Từ nay đến Tết Nguyên đán, con đường bê tông này sẽ được đưa vào sử dụng. Từ đây, việc đi lại của cán bộ và nhân dân trong xã đến trung tâm huyện lỵ sẽ được dễ dàng hơn, hàng hóa sẽ được thông thương hơn.

Qua câu chuyện với anh, chúng tôi được biết, Ia Đal có thế mạnh về chuyên canh cây cao su, với diện tích lên tới hơn 9.197ha. Nhưng với tình trạng giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, đời sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, không thụ động trông chờ giá mủ lên, để rồi cái nghèo cứ bám riết đời sống của những người công nhân cao su ngày ngày chật vật với nắng mưa, xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất khắc nghiệt này; trong đó, chú trọng nông sản làm ra phải có giá trị hàng hóa cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.

Người dân thôn 4, xã Ia Đal phát triển diện tích cây tiêu. Ảnh: XB

 

Qua học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác có mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã Ia Đal chủ trương vận động, hướng dẫn người dân tổ chức lại mô hình sản xuất, đưa cây mít Thái, xoài cao sản, cây dược liệu như sả, nghệ… vào trồng đại trà. Ngoài ra, xã còn tổ chức trồng thí điểm dâu đỏ nuôi tằm, chuối mồ côi lấy hột, nuôi cá nước ngọt… nhằm cải thiện thêm thu nhập cho người dân. Đến nay, ngoài số diện tích cao su, toàn xã có 40,5ha cà phê, 20,5ha tiêu, 230ha điều, 26ha cây dược liệu và 20ha nuôi trồng thủy sản…

Chủ tịch UBND xã Phùng Ngọc Chiến cho biết thêm: Khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với cây mít Thái và xoài cao sản, một số đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã trồng các loại cây này và cho năng suất rất cao, giá cả và đầu ra lại ổn định nên xã có chủ trương lấy các loại cây này làm chủ lực, dần thay thế cho các loại cây có giá trị kinh tế kém. Mặc dù chưa thống kê con số chính xác, nhưng hiện người dân đã tổ chức trồng nhiều nơi, trong tương lai không xa, hai loại cây trồng này sẽ được nhân rộng trong toàn xã.

Cũng qua câu chuyện của Chủ tịch UBND xã Phùng Ngọc Chiến, xã còn dự kiến nuôi thí điểm gà dược liệu tại thôn 3 với khoảng 5.000 con giống. Loại gà này lúc nhỏ sẽ được nuôi bình thường, cho ăn cám. Nhưng khi đến 1 tháng tuổi, sẽ chuyển dần sang chế độ ăn cây, lá dược liệu như nghệ, sả, đinh lăng… được xay nhỏ, sau sẽ cho ăn hoàn toàn bằng dược liệu. “Sử dụng thức ăn dược liệu gà sẽ miễn được nhiều dịch bệnh và rất chóng lớn, thịt ngon, dinh dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh nên giá bán cao, nếu thành công sẽ nhân rộng ra toàn xã”- Chủ tịch xã Phùng Ngọc Chiến chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã tạo mọi điều kiện để người dân trên địa bàn được tiếp cận nhanh các nguồn vốn chính sách xã hội. Qua nhiều kênh ủy thác như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, toàn xã có 679 hộ nghèo được giải ngân với tổng kinh phí trên 32,8 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, góp phần không nhỏ vào giải quyết nguồn vốn sản xuất cho bà con.

Theo con số báo cáo của UBND xã Ia Đal, đầu năm 2019, toàn xã có 483 hộ nghèo (chiếm 53,14% dân số toàn xã), 178 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 19,58%), thì đến nay đã có 98 hộ thoát nghèo và 178 hộ thoát cận nghèo, một con số khá ấn tượng trong điều kiện một xã biên giới vốn dĩ còn nhiều khó khăn.

Rời xã Ia Đal khi chiều muộn, trong tôi có nhiều cảm xúc đan xen. Phía trước mặt tôi là con đường bê tông đang giai đoạn gấp rút hoàn thành, như sáng rực lên giữa rừng cao su tĩnh mịch. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực của mình, xã Ia Đal sẽ vượt qua thử thách, tạo dựng một sức sống đầy mãnh liệt ở vùng biên.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác