Hướng các phong trào thi đua đi vào thực chất, hiệu quả

11/06/2018 07:03

​Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh xoay quanh các vấn đề của công tác thi đua – khen thưởng.

Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước của tỉnh thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa: Những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh được chú trọng xây dựng, phát triển sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực, đơn vị, địa phương; tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực sự là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân thực hiện tốt công tác lãnh chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng. Ảnh: Q.Đ

 

Thực hiện 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; hằng năm, tỉnh đã phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị... Các phong trào thi đua đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đáng chú ý là kinh tế của tỉnh năm 2017 đạt tốc độ tăng trưởng 9,01% so với năm 2016; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán; giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; xuất khẩu tăng cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt và đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay, đã có 13 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 26 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 41 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 4 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật”. Qua đó, tập trung nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Một số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế có kết quả tốt. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thử nghiệm thành công, từng bước nhân ra diện rộng.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" với nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình đã thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội. Huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các cơ quan, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng.

Nhìn lại thành quả hôm nay, một lần nữa khẳng định rằng, thi đua là cách tốt nhất, thiết thực nhất để gắn chặt tình đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, từng bước đẩy lùi tiêu cực. Những điều tốt đẹp, cách làm hay, mô hình hiệu quả ngày càng được phát triển và nhân rộng, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

Phóng viên: ý kiến cho rằng, một số phong trào thi đua còn mang nặng tính hình thức; công tác khen thưởng chỉ chú trọng đến những cá nhân là lãnh đạo, còn những người trực tiếp làm nên những thành tích cho cơ quan, đơn vị, địa phương thì ít được cấp trên khen thưởng. Đồng chí nghĩ như thế nào về nhận định này?

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa: Thời gian qua, công tác khen thưởng đã có sự đổi mới cả về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình khen thưởng. Đặc biệt, quan tâm nhiều hơn đến tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động, chú trọng đến các tập thể, cá nhân đạt được thành tích trong điều kiện khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; xây dựng được các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, địa phương; việc xét chọn chính xác, công khai, dân chủ, khách quan.

Ngoài việc thực hiện khen thưởng thường xuyên, đã quan tâm hơn đến khen thưởng đột xuất; kịp thời động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, hành động dũng cảm trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh truy quét tội phạm… Việc xét khen thưởng đã gắn chặt với phong trào thi đua, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và các chỉ tiêu thi đua đã đăng ký.

Tuy nhiên, việc tổ chức, triển khai các phong trào thi đua ở một số đơn vị, địa phương, doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức. Nội dung, tiêu chí thi đua ở một số đơn vị, địa phương, cụm - khối thi đua chưa rõ ràng, chưa cụ thể hóa nội dung thi đua do cấp trên phát động; việc phát động các phong trào thi đua chưa được sơ kết, tổng kết kịp thời.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ở một số đơn vị, địa phương còn xem nhẹ công tác tổ chức phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua, đăng ký thi đua, kiểm tra, giám sát phong trào thi đua mà chủ yếu nặng về công tác khen thưởng; chưa giới thiệu được nhiều tấm gương tiêu biểu, mang tính giáo dục cao để tạo sự lan tỏa, nhân rộng trong xã hội. Việc xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho các tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp công tác, lao động sản xuất, học tập ở các đơn vị, địa phương tuy đã được quan tâm song số lượng vẫn còn hạn chế.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, trong thời tới, UBND tỉnh có những giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng?

Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho các cá nhân. Ảnh: Q.Đ

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa: Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thường xuyên phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Nội dung, mục tiêu các phong trào thi đua sẽ được cụ thể hóa, phù hợp với thực tế tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; lấy việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương là mục tiêu, động lực quan trọng để tổ chức thực hiện phong trào thi đua.

Việc bình xét khen thưởng phải được tổ chức kịp thời, công bằng, công khai, dân chủ, chặt chẽ. Quan tâm khen thưởng các tập thể nhỏ và cá nhân là những người lao động trực tiếp, chú trọng khen thưởng đột xuất. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; kịp thời biểu dương, tôn vinh các điển hình; trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu để các tập thể và cá nhân học tập cách làm hay, mô hình mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến phát triển rộng khắp trong toàn xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quang Định (thực hiện)

Chuyên mục khác