"Hót" nghề "cò đất"

30/10/2021 06:04

Hơn 2 năm trở lại đây, nghề “cò đất” trên địa bàn thành phố Kon Tum và một số huyện trên địa bàn tỉnh ngày càng nở rộ. Các “cò đất” đưa ra nhiều “tin đồn thất thiệt” về các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội trên địa bàn nhằm mục đích đẩy giá đất lên cao hòng trục lợi.

Nghề “cò đất” không cần vốn nhiều, thậm chí không cần bỏ vốn mà mỗi tháng có khi kiếm vài chục triệu đồng, có khi lên cả trăm triệu đồng là điều hoàn toàn có thể. Chính vì dễ kiếm tiền, thu nhập cao nên có không ít người đã gác lại công việc mua bán, lao động thường ngày để lao vào cơn sốt làm “cò đất”. Không ít gia đình có điều kiện, lâu nay gửi tiền ngân hàng thì giờ rút số tiền này ra để đầu tư mua đất tích trữ. Vì thế, giá đất ở các xã, phường trên địa bàn thành phố Kon Tum và một số huyện được “cò đất” và giới đầu cơ đẩy giá lên chóng mặt.

Chỉ cần một hợp đồng giao dịch thành công, “cò đất” có thể nhận hoa hồng được vài chục triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với lương của cán bộ, công chức, viên chức làm cả tháng trời.

Sáng sớm, chị N.T.T.T.  ở đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) tranh thủ chở giỏ đậu khuôn cùng một ít nấm rơm lên chợ Duy Tân bán. Đã nhiều tháng nay, ngày nào chị T. cũng tranh thủ “bán nhanh, về sớm” để còn làm công việc “cò đất”. Thường thì mới 9 - 10 giờ sáng chị T. dọn hàng về để đi tìm mối đất giới thiệu cho khách, nhưng hôm nay chị về sớm hơn thường lệ vì hẹn 8h30 đưa khách đi xem đất ở xã Đăk Rơ Wa.

Thị trường nhà đất sôi động, nghề “cò đất” nở rộ. Ảnh: M.Q

 

Chị T. chia sẻ: Giá đất ở thành phố Kon Tum khoảng 2 năm trở lại đây tăng đến “chóng mặt”. Có lô chỉ trong 1 ngày sang tên qua 2 - 3 chủ là chuyện thường. Mỗi tháng chỉ cần khách “chốt” 1 - 2 lô là kiếm vài chục triệu đồng.

Nghề “cò đất” đến với chị T. thật tình cờ. Chị T. có một người bạn trong xóm tên H. lâu nay không có việc làm ổn định, thuê nhà trọ và lại phải nuôi con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Sau khi chị H. đi làm “cò đất” thì cuộc sống cũng khá giả dần, ăn mặc cũng không còn luộm thuộm như trước đây. Vậy là, sau khi dò hỏi và được chị H. chia sẻ , chị T. cũng tham gia vào nghề “cò đất” như chị H.

Làm cò đất, chỉ cần đăng rao bán nhà đất trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm để tìm khách. Nếu khách đồng ý “chốt” là mình kiếm chục triệu đồng tiền hoa hồng là điều hiển nhiên...

Vì thu nhập “khủng”, không cần phải có bằng cấp, không ràng buộc thời gian… nên nghề “cò đất” trên địa bàn Kon Tum hiện nay “thu nạp” đầy đủ các thành phần, từ những bà buôn gánh bán bưng, đến mấy anh lái xe ôm, taxi, nhân viên bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm, giáo viên, nhân viên ngân hàng… Mỗi lô đất chỉ cần qua 1 khâu trung gian thì giá sẽ bị thổi lên cao vài chục triệu đồng có khi lên đến cả trăm triệu đồng. Chính vì tình trạng này, nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở, làm ăn chân chính khó mua nổi được lô đất.

Để quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn chặt chẽ, tránh những hệ lụy về mặt kinh tế- xã hội, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1630/UBND-HTKT (ngày 20/5/2021), về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương theo dõi, xử lý để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; yêu cầu các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan cảnh giác tình trạng sốt đất ảo trên địa bàn; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện việc chứng thực các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất theo đúng trình tự quy định; tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến tình trạng cò mồi, đầu cơ, thao túng thị trường…

Thế nhưng, hiện nay tình trạng “cò đất” vẫn lộng hành và các ngành chức năng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn, từ đó gây tác động xấu đến thị trường bất động sản.       

Minh Quang

Chuyên mục khác