Hợp sức bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh

03/10/2016 14:48

Từ đầu năm đến nay, tại các xã vùng giáp ranh, lực lượng chức năng hai địa phương đã tổ chức được 23 đợt tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, thu hút gần 1.200 lượt người nghe; tổ chức 43 cuộc tuần tra, truy quét với 392 lượt người tham gia...

Thành phố Kon Tum và huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có 7 xã giáp ranh; rừng giáp ranh giữa 2 địa phương được đánh giá có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật quí hiếm; một số khu vực còn có tác dụng phòng hộ đầu nguồn. Cho nên, công tác quản lý bảo vệ rừng, lâm sản ở khu vực giáp ranh luôn được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng.

UBND hai địa phương tổ chức sơ kết công tác phối hợp bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm 2016. Ảnh: T.H

 

Ông Phạm Ngọc Nhẫn - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum cho biết: Thành phố Kon Tum có 4 xã là Ia Chim, Hoà Bình, Chư Hreng và Đăk Rơ War giáp ranh với 3 xã của huyện Chư Păh là Hà Tây, Ia Khươl, Ia Phí. Tài nguyên rừng khu vực này chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn có trữ lượng tương đối lớn, phong phú về chủng loại, đặc biệt một số loài có giá trị về mặt kinh tế. Nhằm hạn chế tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng làm rẫy, tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp, lực lượng kiểm lâm hai địa phương đã thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tăng cường kiểm tra, truy quét ở mỗi địa bàn; phối hợp xác minh các đối tượng, phương tiện vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời cho các đơn vị trong quá trình xử lý vi phạm; hạn chế bỏ sót hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND thành phố Kon Tum và huyện Chư Păh đều xây dựng quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng và lâm sản nhằm huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương và tất cả các lực lượng chức năng, nâng cao trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng và nguồn lâm sản thuộc khu vực giáp ranh. Nhìn chung, việc phối hợp thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả đáng kể, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh đã hạn chế.

Công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản được hai bên khai thực hiện sâu rộng đến từng thôn, xã và cộng đồng dân cư vùng giáp ranh với nhiều hình thức phù hợp, nội dung phong phú, sát tình hình thực tiễn. Từ năm 2011 đến nay, lực lượng QLBVR cùng các cấp, ngành trong vùng giáp ranh đã tổ chức tuyên truyền được 296 đợt với hơn 16.000 lượt người tham gia. Từ đó, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho người dân, cộng đồng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách bảo vệ, phát triển rừng.

Đặc biệt, lực lượng chức năng hai địa phương đã thường xuyên tăng cường tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh; phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển lâm sản trái pháp luật bằng đường sông từ xã Hà Tây về địa bàn xã Đăk Rơ War và vận chuyển lâm sản trái pháp luật bằng xe máy từ xã Ia Khươl qua địa bàn xã Hòa Bình để tiêu  thụ. Nhờ đó, thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển lâm sản trái pháp luật từ huyện Chư Păh về thành phố Kon Tum đã được hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm hai địa phương cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản, cơ sở mộc, đình chỉ hoạt động các xưởng hoạt động nằm ngoài quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu ổn định; không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến lâm sản không chứng minh được nguồn nguyên liệu hợp pháp, ổn định lâu dài. Đồng thời, các lực lượng chức năng hai bên cũng chủ động điều tra, nắm rõ các đối tượng “đầu nậu” chuyên mua, bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản không có nguồn gốc mang đi tiêu thụ; thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất, chế biến.

Từ năm 2011 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 80 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 300 triệu đồng và tịch thu một lượng gỗ lớn. Trong đó, lực lượng chức năng thành phố Kon Tum đã xử lý được 50 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 180 triệu đồng.

Song song với các biện pháp tuyên truyền, quản lý bảo vệ rừng và lâm sản; thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được thành phố Kon Tum và huyện Chư Păh phối hợp thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, hai bên luôn chú trọng, đề cao cảnh giác tại các khu vực rừng giáp ranh có nguy cơ cháy cao vào mùa khô như: Tiểu khu 197, 198, 199, 200, 204... nằm trên địa giới hành chính xã Ia Khươl, Hà Tây và một số khu vực rừng rừng tự nhiên, rừng trồng tại các xã Ia Chim, Hoà Bình, Chư Hreng, Đăk Rơ War. Để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, hàng năm, Hạt Kiểm lâm hai địa phương cùng các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thị trấn phối hợp xây dựng kế hoạch và thực hiện phương án phòng chống cháy rừng; tuyên truyền, vận động người dân cùng hợp sức trong việc thực hiện các biện pháp. Nhờ đó, trong thời gian hơn 5 năm qua, trên địa bàn vùng giáp ranh chỉ xảy ra 5 vụ cháy làm thiệt hại 8,5ha rừng.

Việc ngăn chặn hoạt động vận chuyển gỗ từ Chư Păh sang TP Kon tum qua đường sông là một trong những nhiệm vụ khó khăn. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum, do khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương địa hình bị chia cắt nhiều bởi các sông, suối, đi lại rất khó khăn nên công tác tuần tra, truy quét bảo vệ rừng gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, hoạt động phá rừng, khai thác rừng trái phép của các đối tượng lâm tặc ngày càng tinh vi, táo tợn, manh động, có tổ chức và quy mô chặt chẽ nên việc đấu tranh ngăn chặn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm tại các xã vùng giáp ranh còn mỏng so với diện tích rừng hiện có, cũng như áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất của người dân trong giai đoạn hiện nay làm cho công tác bảo vệ rừng càng khó khăn hơn. Do vậy, tình trạng xâm canh, phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy ở các địa phương vẫn còn xảy ra; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ở khu vực giáp ranh chưa được xử lý dứt điểm...

“Việc xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thời gian vừa qua nhằm đưa ra định hướng và những giải pháp thực hiện hữu hiệu là biện pháp mà lực lượng chức năng thành phố Kon Tum và huyện Chư Păh đang và sẽ thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh” – ông Phạm Ngọc Nhẫn cho biết thêm.

Thiên Hương 

Chuyên mục khác