Hồn Việt trên đất nước Triệu Voi

16/08/2017 13:58

Đã thành lệ, mỗi lần được đến với đất nước Triệu Voi, ai cũng dành thời gian đi thăm các gia đình người Việt đang làm ăn, sinh sống ở đây. Gặp đồng hương, mọi người tay bắt mặt mừng, thi nhau hỏi chuyện quê nhà. Thì ra, dù xa xôi cách trở, những người con nơi đất khách luôn giữ mối thâm tình với Tổ quốc...

Quê hương, đất nước luôn trong trái tim

Tôi cũng đã may mắn không dưới 2 lần được rong ruổi thật sự trên đất bạn Lào, nghĩa là đi suốt 4 tỉnh Nam Lào, chứ không chỉ “xin” qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, ăn gà nướng, cơm nếp... như thường làm. Giờ đây, ngồi hồi tưởng lại những chuyến đi ấy, tôi mới nhận ra rằng, để lại dấu ấn đậm nét nhất là những buổi gặp đồng hương.

Trung tâm thương mại Đào Hương- một trung tâm thương mại lớn của người Việt Nam xây dựng tại Păk Sế, tỉnh Champasăk. Ảnh: T.H

 

Mà kể cũng lạ, cứ sang đến đất bạn, chẳng ai bảo ai, nhưng cứ nhìn ánh mắt là biết, tất cả đều nôn nao đi tìm đồng hương. Còn nhớ, trong chuyến đi năm 2012, chị Y Ly Trang (nay là Giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Kon Tum) đã tiết lộ: Đã thành lệ, mỗi lần được đến với đất nước Triệu Voi, ai cũng dành thời gian đi thăm các gia đình người Việt đang làm ăn, sinh sống ở đây. Gặp đồng hương, mọi người tay bắt mặt mừng, thi nhau hỏi chuyện quê nhà...

Thì ra, dù xa xôi cách trở, giữa những người con nơi đất khách và quê hương luôn tồn tại mối thâm tình!

Người đi nhiều lần thì đã có “mối”, nhoáng cái là liên lạc được, thậm chí còn liên lạc từ trước khi đi. Người đi lần đầu, nếu như không có ai dẫn đường thì cũng chẳng sao, cứ... ra đường hỏi thăm là được. Với mối quan hệ son sắt, chí nghĩa chí tình, dù Attapư, Sê Kông, Salavan hay Champasăk, bất cứ nơi đâu cũng không sợ bị lạc đường, bởi sẽ gặp được người Lào nói tốt tiếng Việt để hỏi thăm. 

Chẳng thế mà nhiều người bảo rằng: Đi công tác ở nước ngoài, sướng nhất là đi Lào. Người dân Lào luôn xem Việt Nam là mối tình đặc biệt, thủy chung, son sắt. Đặc biệt hơn, có nhiều người nói tiếng Việt rất trôi chảy nên được giao tiếp thoải mái bằng tiếng mẹ đẻ.

Ngay từ chuyến đi đầu tiên (năm 2005), khi nghỉ lại tỉnh Attapư, tôi đã được “mách nước” rằng ở đây có khá đông bà con Việt kiều đang sinh sống, làm ăn. Rất nhanh chóng, tôi đã tìm được họ, được đón tiếp như những người thân, lâu ngày gặp lại.

Tại đây, tôi được gặp ông Võ Đại Khóa (quê Thừa Thiên - Huế), là Chủ tịch Hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Attapư. Ông khoe Hội đã quy tụ được tất cả các hộ gia đình người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại đây. Trong cuộc sống hằng ngày, Hội đã thật sự trở thành chỗ dựa tinh thần, là nơi để họ gửi gắm tình cảm với quê hương; là môi trường tốt để gìn giữ phong tục, tập quán, hướng về quê nhà.

Khi chia tay, ông Khóa có cho số điện thoại để liên lạc và hứa có dịp sẽ ghé qua Kon Tum thăm tôi. Nhưng rồi cuộc sống bận rộn mưu sinh, số điện thoại thất lạc, đến nay cũng không thấy ông ghé qua. Năm 2012, qua Sở Ngoại vụ, tôi được tin ông và bà con đã vận động, quyên góp kinh phí xây dựng được một trường học cho con em người Việt tại Attapư, hoàn thành ước nguyện của mình.  

Còn thương hương vị quê nhà

Năm 2012, trong những ngày rong ruổi trên đất nước Triệu Voi, được gặp gỡ những người con đất Việt làm ăn, sinh sống trên nước bạn, chúng tôi thật sự thấy tự hào vì ai cũng cần cù, chịu thương chịu khó làm ăn, dạy dỗ con cái, đoàn kết với người dân bản địa. Đặc biệt, tôi cảm nhận rất rõ hồn Việt đang được gìn giữ trong cuộc sống của mỗi gia đình.

Những gia đình Việt kiều ấy, nhiều thì 20-30 năm, ít thì 16, 17 năm sống trên đất bạn, nhưng giọng nói vẫn đậm chất Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định... Bữa ăn của họ vẫn có những món mang “quốc hồn quốc túy”, như cà muối, dưa cải, nước mắm Phú Quốc, cá kho; con cháu họ vẫn nói tiếng mẹ đẻ rất tốt…

Cũng trong chuyến đi ấy, chúng tôi được các bạn Sê Kông dành cho một bất ngờ thú vị khi dẫn đến một nhà hàng khá bề thế do người Việt làm chủ - nhà hàng Trường Sơn. Chủ nhà hàng là vợ chồng anh Võ Duy Vũ - Bùi Thị Lan, quê gốc Quảng Ngãi, sang Sê Kông từ 20 năm nay. Nhà hàng của anh chị phục vụ tất cả những món ăn được chế biến, tẩm ướp theo khẩu vị Việt, trong đó đáng chú ý nhất là món phở.

Được đón “người nhà”, anh Vũ vui lắm, tất bật pha trà, chế cà phê, còn chị Lan thì trực tiếp vào bếp làm món phở gà. Khách quý mà, phải tự tay chị làm mới đúng hương vị quê nhà, mới trọn vẹn nghĩa tình - chị Lan vừa nói vừa nêm gia vị cho nồi nước dùng đang sôi sùng sục.

Câu chuyện ân tình rôm rả trong hương thơm nồng nàn của cà phê Việt Nam thứ thiệt. Anh Vũ cho biết, vốn cần cù, chịu khó, lại luôn giữ chữ tín trong chuyện làm ăn nên cộng đồng người Việt Nam ở đây luôn được bà con người Lào tin tưởng, quý mến. Bà con mình đều chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại, tôn trọng và hòa mình với phong tục tập quán của người dân bản địa.

Trường Hữu nghị Việt-Lào tại Sê Kông. Ảnh: T.H

 

Ngược lại, những ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam thì cộng đồng người Việt cũng mời bạn bè, hàng xóm người Lào sang chung vui. Mỗi khi có việc hiếu hỉ hay khó khăn hoạn nạn, người Việt và người Lào đều chia sẻ đùm bọc lẫn nhau. Trong những dịp như vậy, khó có thể nhận ra đâu là người Lào, người Việt vì tất cả đã hòa chung thành một cộng đồng tương thân, tương ái, tin cậy, quý mến và có trách nhiệm cùng nhau.

Ở Sê Kông cũng thành lập Hội Việt Kiều. Cứ 3 tháng Hội tổ chức sinh hoạt một lần và thường xuyên giữ liên lạc với Lãnh sự quán Việt Nam tại Păk Sế (tỉnh Champasăk) để nắm thông tin trong nước. Trong sinh hoạt hội, vấn đề được đặt lên hàng đầu là đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa người Việt với người Việt; đoàn kết giữa người Việt với người Lào... Điều rất tự hào là Hội đã quyên góp, xây dựng được Trường Hữu nghị Việt - Lào tại đây, trong đó tỉnh Kon Tum hỗ trợ 20.000 USD.

Tự tay bưng từng tô phở bốc khói nghi ngút cho từng người, anh Vũ giới thiệu: Phở ở đây có vị khác với phở ở nhà. Sợi phở nhỏ hơn, nước dùng nêm nhiều bột ngọt hơn, dĩ nhiên không thể đậm đà như tô phở ở “bên mình”. Nhưng như thế cũng đủ để người Việt Nam xa quê hương đỡ nhớ nhà…Có lẽ chưa bao giờ tôi được ăn tô phở ngon đến vậy.

Trong cuộc mưu sinh, bằng những việc làm cụ thể của mình, người Việt ở xứ sở Triệu Voi đang lặng lẽ góp phần làm đẹp thêm những trang sử về mối tình thủy chung son sắt Việt - Lào.

Thành Hưng

Chuyên mục khác