28/06/2017 06:02
Ông Trương Xuân Nhật - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch), thành viên Ban tổ chức cho biết: Tuy lần đầu tiên tham gia nhưng các đội dự thi đã có sự đầu tư công phu, chuẩn bị chu đáo từ kịch bản, đạo cụ, trang phục. Mỗi đội thi có 2 gia đình cùng tham gia với không quá 10 thành viên, trong đó có 1 gia đình 2 thế hệ và 1 gia đình 3 thế hệ.
Ở phần thi giới thiệu, các đội đã thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn, có sự đầu tư công phu về trang phục, đạo cụ; sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện là vợ đàn, chồng con ca hát, hò vè. Một số gia đình khi giới thiệu về mình đã thể hiện sự mộc mạc, chân chất như vốn có trong cuộc sống gia đình của họ, tuy chưa hay lắm nhưng đã đem lại cho người xem cảm giác thú vị.
|
Về phần thi tiểu phẩm, 8 đội với 8 kịch bản khác nhau đã phản ánh nhiều ngõ ngách trong đời sống gia đình nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình ít con, bình đẳng, tiến bộ, no ấm, hạnh phúc. Cách lựa chọn chủ đề của tiểu phẩm phong phú, đa dạng. Đáng chú ý là các tiểu phẩm mô tả cuộc sống gia đình hạnh phúc với sự chia sẻ của 2 vợ chồng trong công việc, nuôi dạy con cái nên người; hoặc câu chuyện giữa mẹ chồng con dâu chưa thấu hiểu tính tình của nhau, qua các va chạm trong cuộc sống hàng ngày, cuối cùng họ đã hòa hợp, cảm thông, chia sẻ nên đã sống với nhau hạnh phúc dưới một mái nhà.
Hay như câu chuyện đôi vợ chồng trẻ do sự bế tắc trong nghề nghiệp dẫn đến mâu thuẫn, nghi kỵ, bi quan. Sau đó, nhờ tình cảm chân thành của người bạn khuyên giải nên đã biết nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa, vợ chồng làm lành với nhau, sống hòa thuận, vui vẻ, cùng nhau nuôi dạy con cái nên người...
|
Đối với phần thi bữa cơm gia đình, các đội thi đã thể hiện năng khiếu, thẩm mỹ, sáng tạo, các món ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm, mang phong cách ẩm thực địa phương như các đội Kon Plông, Đăk Hà (các món gà nướng, thịt trâu nướng cục, cá suối, rau dớn, măng rừng, cơm lam, cơm lúa rẫy...). Những mâm cơm giản dị, dễ nấu, sử dụng thực phẩm tươi sống, giá cả phải chăng, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình của các đội thành phố Kon Tum, Đăk Tô... đã mang lại một không gian ẩm thực sống động và đầy ắp tình cảm trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.
Lần đầu tiên tham gia hội thi, chị Lê Thị Tuyết Hoa (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Đây là dịp để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm từ các gia đình khác trong việc “giữ lửa” cho tổ ấm của mình.
Còn anh Nguyễn Vương Quang (huyện Đăk Hà) cho hay: Đến với hội thi này, gia đình chúng tôi mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cùng với các gia đình bạn trong việc xử lý, giải quyết các tình huống mâu thuẫn trong gia đình.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch - Phạm Thị Trung, việc tổ chức Hội thi gia đình hạnh phúc nhằm mục đích đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác gia đình. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi công dân trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tạo môi trường tốt cho các hoạt động giao lưu, kết nối, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tôn vinh các giá trị tốt đẹp trong gia đình truyền thống Việt Nam.
Quang Định