31/05/2018 16:07
|
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; 60 hợp tác xã, 200 nhóm hộ và tổ hợp tác thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động. Hiện tại, 10 huyện, thành phố Kon Tum có 300.890 lao động.
Trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục được Sở LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ kết nối, tư vấn và giới thiệu cho các đơn vị, doanh nghiệp 2.455 lao động, nâng tổng số lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm lên 233.512 người.
Tuy nhiên, tại hội thảo này, một số đơn vị quản lý nhà nước về công tác lao động, cũng như các doanh nghiệp có chung nhận xét, lao động đã được tuyển dụng nói riêng và lao động địa phương nói chung vẫn còn hạn chế về trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp thấp, ngại đi làm xa, khó thích nghi với môi trường làm việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao, thiếu kinh nghiệm làm việc...
Nhiều đại biểu đã đề xuất với Sở LĐ-TB&XH sớm có các giải pháp nhằm tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trong thời gian tới. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, sớm chỉ đạo phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề nghiệp triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới, nhu cầu thị trường lao động về tận thôn, làng cho người dân. Đồng thời, tiến hành khảo sát, tham mưu định hướng đào tạo nghề nghiệp phù hợp thực tế cho người dân như hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 1956, gắn với nhu cầu tuyển dụng của tổ chức, doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật thông tin, kết nối thị trường lao động của doanh nghiệp; phối hợp với các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh định hướng, tư vấn đào tạo nghề nghiệp, để kết nối nhu cầu cung - cầu giữa người học với doanh nghiệp, cũng như đào tạo gắn với đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Tin, ảnh: Mai Trâm