“Hồi sinh” điểm bưu điện- văn hóa xã

05/08/2016 06:33

Do nhiều nguyên nhân, các điểm bưu điện- văn hóa xã (BĐ-VHX) trên địa bàn tỉnh đã phải trải qua những tháng năm khó khăn. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, một làn gió đổi mới đang “hồi sinh” những điểm BĐ-VHX này...

Đổi mới để tồn tại

Không thể phủ nhận, suốt nhiều năm qua, việc phát triển các điểm BĐ-VHX đã góp phần mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc, phục vụ đắc lực cho việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận cơ sở một cách nhanh chóng, tạo môi trường thuận lợi cho việc nâng cao dân trí ở nông thôn.

Tuy nhiên, việc bùng nổ thông tin, phát triển rộng rãi các loại hình điện thoại di động và cố định, internet… đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của BĐ-VHX. Các điểm VĐ-VHX chủ yếu là phục vụ công ích, doanh thu giảm sụt mạnh nên đời sống của người lao động cũng gặp nhiều khó khăn... Trong những ngày gian nan, đã từng có không ít ý kiến nghi ngờ về khả năng tồn tại của điểm BĐ-VHX.

Thực tế ấy đòi hỏi ngành Bưu điện tỉnh phải có hướng đi mới, đổi mới hoạt động để có thể tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của điểm BĐ-VHX trong đời sống xã hội.

“Nhưng dù vậy, chúng tôi vẫn không thể xem nhẹ điểm BĐ-VHX, vì đây là thành phần thuộc kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia. Ngoài hoạt động kinh doanh, các điểm BĐ-VHX còn phải làm tốt công tác phục vụ công ích, lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước về nông thôn, đóng góp vào việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Cường - Phó giám đốc Bưu điện tỉnh bộc bạch.

Thời cơ “hồi sinh” điểm BĐ-VHX đã tới khi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai Chỉ thị 03/CT-BĐVN về chiến dịch “Đổi mới hoạt động tại các điểm BĐVHX” vào tháng 3/2014 và mới đây là Chỉ thị 01/CT-BĐVN ngày 7/4/2016 về đổi mới bưu cục và phong cách làm việc của giao dịch viên. Ban giám đốc Bưu điện tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch và triển khai các hoạt động cụ thể cho toàn ngành, như: rà soát, thống kê tình hình khai thác, sử dụng thiết bị cũng như tình hình cung cấp dịch vụ tại tất cả các điểm; thực hiện sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, điểm phục vụ đảm bảo nguyên tắc Sạch - Gọn -Đẹp; đổi mới phong cách phục vụ của giao dịch viên.

Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh tiến hành rà soát lại toàn bộ nguồn nhân lực tại các điểm BĐ- VHX, tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng kinh doanh cho nhân viên (đã tổ chức đào tạo 3 lần trong năm 2015, 2016); xây dựng cơ chế bán hàng, cơ chế phát bưu gửi; hỗ trợ 50% phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên.

 

Điểm BĐ-VHX “hồi sinh”

Sự quyết liệt trong triển khai chiến dịch đổi mới đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, 68 điểm BĐ-VHX trên địa bàn tỉnh đã được chỉnh trang, sửa chữa với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Các điểm này được quét lại vôi ve, treo biển nhận diện thương hiệu, niêm yết thông tin, trang bị tủ sách, bàn ghế đọc sách… trở thành điểm cung cấp thông tin hữu hiệu cho người dân địa phương.

Đến thăm điểm BĐ-VHX xã Xốp (huyện Đăk Glei), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là căn phòng được chỉnh trang sáng sủa, lịch sự và bày biện ngăn nắp. Chị Lê Thị Hợi - nhân viên điểm BĐ-VHX xã Xốp chia sẻ: Cũng như nhiều điểm khác, điểm BĐ-VHX xã Xốp đã trải qua một giai đoạn khó khăn trước sự thay đổi của thị trường. Chính sự thay đổi cung cách phục vụ, năng động phát triển dịch vụ, đặc biệt là từ khi triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động tại điểm BĐ-VHX đã thu hút sự quan tâm của người dân và tăng thêm thu nhập cho cán bộ phụ trách điểm BĐ-VHX.

Ngoài các dịch vụ truyền thống của ngành, hiện tại điểm BĐ-VHX xã Xốp còn triển khai thêm một số dịch vụ mới như bán các loại hình bảo hiểm, sim thẻ, hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con trong xã. Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động của điểm đã tăng trưởng rõ rệt, 6 tháng đầu năm 2016 doanh thu bình quân đạt 9,6 triệu đồng/tháng, đặc biệt tháng 4 đạt trên 15 triệu đồng. Thu nhập của chị Hợi ổn định ở mức trên 3,3 triệu đồng/tháng.

Người dân xã Xốp đến điểm BĐ-VHX đọc sách, báo. Ảnh: TH

 

Đều đặn hàng ngày, ông A Đời - Bí thư Đảng ủy xã Xốp đều dành thời gian tới điểm BĐ-VHX để đọc sách báo. Bởi theo ông, mặc dù thông tin trên tivi, trên mạng rất nhiều, đầy đủ nhưng muốn tìm hiểu kỹ thông tin hơn, nhất là các sách hướng dẫn về nông - lâm nghiệp phục vụ sản xuất, sách tham khảo cho học sinh thì vẫn phải tới điểm BĐ-VHX.

“Ở đây có nhiều đầu báo, như Nhân dân, Kon Tum, Văn hóa, Dân tộc và Phát triển, Bưu điện..., được phát hành trong ngày và đầy đủ nên cũng tiện theo dõi các chuyên mục mình thích. Hơn nữa, đến điểm BĐ-VHX, mình cũng có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn” - ông A Đời vui vẻ nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông A Chí - Giám đốc Bưu điện huyện Đăk Glei cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và Bưu điện tỉnh, Bưu điện huyện Đăk Glei đã triển khai có hiệu quả các giải pháp đổi mới, tận dụng, phát huy và khai thác lợi thế sẵn có của các điểm BĐ-VHX, hỗ trợ thu nhập cho nhân viên tại các điểm để họ gắn bó hơn với ngành, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các điểm BĐ-VHX, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo ông Nguyễn Cường, vốn là một loại hình hoạt động mang tính cộng đồng, công ích, dù có những lúc thăng trầm, nhưng điểm BĐ-VHX vẫn là một kênh thông tin hữu ích, góp phần đắc lực trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân nông thôn; tạo điều kiện cho bà con được hưởng thụ các dịch vụ bưu chính, viễn thông, văn hóa và các dịch vụ khác.

“Để hoạt động của các điểm BĐ-VHX ngày càng hiệu quả hơn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới toàn diện các điểm BĐ-VHX, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ cho đến nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên. Chúng tôi cũng mong muốn có sự đồng hành của các ngành, các cấp để điểm BĐ-VHX thực sự có sức sống lâu bền, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao dân trí cho các vùng nông thôn” - ông Nguyễn Cường bày tỏ.

Thành Hưng

Chuyên mục khác