Hội Nông dân tỉnh: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư

16/04/2019 13:03

Tiếp tục thực hiện Đề án 02-1133/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”, năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã đổi mới nội dung tuyên truyền và chỉ đạo Hội Nông dân Sa Thầy (đơn vị điểm thực hiện Đề án) tiếp tục nhân rộng các tổ, nhóm nòng cốt nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án.

Trong giai đoạn 2013 - 2015, trên cơ sở hướng dẫn của UBMTTQVN tỉnh về thực hiện Đề án 02-1133/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, đồng thời, phối hợp với UBMTTQVN, Hội Nông dân, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Sa Thầy thống nhất thành lập 2 “Nhóm nòng cốt” tại 2 thôn Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy) và thôn Rắc (xã Ya Xiêr) làm điểm để thực hiện Đề án.

Hai “Nhóm nòng cốt” này gồm những người có uy tín: Già làng, bí thư chi bộ, thôn trưởng, trưởng ban mặt trận… dưới sự hướng dẫn, tập huấn của Mặt trận, Hội Nông dân huyện Sa Thầy và Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về Hiến pháp, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình… cho người dân 2 thôn.

Đáng mừng là khi được tuyên truyền, bà con rất quan tâm và mạnh dạn thảo luận, đề xuất những vấn đề cần quan tâm, nhất là về vốn, cây, con giống để sản xuất. Đặc biệt, sau khi triển khai Đề án tại thôn Kà Đừ và thôn Rắc, bà con nông dân thể hiện cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, tiếp tục lao động sản xuất và nhận thức về pháp luật được nâng cao rõ rệt.

Từ hiệu quả trên, giai đoạn năm 2016 - 2018, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh hội phối hợp với UBMTTQVN, Hội Nông dân huyện Sa Thầy tiếp tục duy trì 2 “Nhóm nòng cốt”, và thành lập thêm 3 “Nhóm nòng cốt” tại thôn Kleng (thị trấn Sa Thầy), thôn Trang, thôn Lung (xã Ya Xiêr).

Ông Lương Thanh Duyến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Xiêr chia sẻ: Sau khi triển khai “Nhóm nòng cốt” tại thôn Rắc, thôn Trang và thôn Lung, qua công tác tuyên truyền, đa số người dân có nhận thức và chấp hành pháp luật tốt, hưởng ứng thực hiện các chương trình thi đua do Hội Nông dân xã hướng dẫn đạt nhiều kết quả. Bên cạnh đó, người dân cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì thế nạn trộm cắp vặt, chạy xe quá tốc độ của thanh thiếu niên giảm hẳn…

Hướng dẫn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các "Nhóm nòng cốt"

 

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 02-1133/TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện Sa Thầy phối hợp với UBMTTQVN huyện tiếp tục kiện toàn và duy trì hoạt động các “Nhóm nòng cốt” tại thị trấn Sa Thầy và xã Ya Xiêr gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại địa bàn. Đồng thời, giao Hội Nông dân thị trấn Sa Thầy và xã Ya Xiêr tuỳ theo điều kiện mỗi đơn vị phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp thành lập thêm 1 đến 2 “Nhóm nòng cốt”.

Theo kế hoạch, Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với UBMTTQVN huyện Sa Thầy tập huấn kỹ năng tuyên truyền miệng, cũng như nắm thông tin dư luận cho các “Nhóm nòng cốt”, đồng thời, thực hiện việc thay đổi nội dung tuyên truyền so với những năm trước sang mô hình tuyên truyền “5 không, 5 có”.

Ông Lê Ngọc Văn – Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh cho hay, xuất phát từ thực tế hoạt động của các “Nhóm nòng cốt” trước đây, để giúp cô đọng nội dung tuyên truyền, vận động cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình tuyên truyền 5 không, 5 có.

Cụ thể, 5 không gồm: Không che giấu tội phạm, không tin, không làm theo lời kẻ xấu xúi giục; không mê tín dị đoan, ma chay, không chạy xe quá tốc độ; không để trẻ em suy dinh dưỡng, con cháu thất học; không đói nghèo, không có người uống rượu, bia say gây gổ đánh nhau làm mất trật tự an ninh nông thôn, mất đoàn kết nội bộ; không phá rừng làm rẫy.

Và 5 có gồm: Có kỹ thuật lao động sản xuất hiệu quả và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình; có tinh thần đoàn kết cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có tham gia các phong trào nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường tại thôn, làng và xây dựng gia đình hạnh phúc; có ý thức chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, hương ước của làng; có trách nhiệm phát hiện, báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại cộng đồng cho cơ quan chức năng địa phương.

Ông Lê Ngọc Văn cũng chia sẻ, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành là những yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư đạt nhiều hiệu quả. Với mô hình tuyên truyền 5 không, 5 có và tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nhân rộng các “Nhóm nòng cốt” tại huyện Sa Thầy, Hội Nông dân tỉnh thể hiện quyết tâm của Hội trong việc thực hiện có hiệu quả Đề án 02-1133/TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.   

Bài và ảnh: Đức Thành

Chuyên mục khác