21/09/2018 16:14
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Tại điểm cầu Công an tỉnh Kon Tum có Đại tá Nguyễn Công Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện một số sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố trong tỉnh.
|
Để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả, từ năm 2013 đến nay, Bộ Công an đã cùng với các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, số lượng và chất lượng các đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không ngừng được cải thiện. Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Công tác xã hội hóa phòng cháy, chữa cháy và nhận thức của người dân về phòng cháy, chữa cháy từng bước được nâng lên.
Trong 5 năm qua (2013-2017), bình quân mỗi năm cả nước xảy ra 2.974 vụ cháy, làm chết 81 người, bị thương 198 người, thiệt hại về tài sản 1.564,3 tỷ đồng, 1.209,4ha rừng và 31 vụ nổ, làm chết 21 người, bị thương 50 người. Mỗi năm, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thực hiện 1.371 vụ cứu nạn, cứu hộ và tổ chức hướng dẫn giúp hàng ngàn người thoát nạn, trực tiếp cứu 452 người, tìm kiếm 186 thi thể nạn nhân.
Phần lớn các vụ cháy tập trung tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, chiếm trên 60% tổng số vụ. Cháy nhà dân chiếm 50%, cháy nhà các cơ quan kinh tế tư nhân chiếm 35%, còn lại là cháy tại các thành phần kinh tế khác. Nguyên nhân xảy ra cháy là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện chiếm trên 50%; cháy do vi phạm, sơ suất trong quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 30%, còn lại là do các nguyên nhân khác.
Hiện nay, cả nước có 259.128 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 104.514 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, chiếm 40,3% tổng số cơ sở trong cả nước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và địa phương vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Công tác tuyên truyền chậm đổi mới, đạt hiệu quả chưa cao. Thiết bị, nhân lực phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng tốt đối với nhà cao tầng, chung cư, nhà phố, nhà ống. Công tác quy hoạch vẫn còn bất cập làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy chưa đủ mạnh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ cháy lớn, làm thiệt hại nhiều về người và tài sản.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, Bộ Công an cần hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chính quy, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay của đất nước ta. Bộ Xây dựng cần rà soát lại các tiêu chí, quy định khi xây dựng các nhà cao tầng để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gắn phong trào “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” với Chương trình Mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020….
Tin, ảnh: Trần Văn Phúc