Hội nghị Sơ kết công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT

06/09/2023 15:17

Sáng 6/9, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thành phố tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” và Ký kết Chương trình phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” gắn với phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội nghị có đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: ĐV

 

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Các đợt tư vấn hướng nghiệp cho học sinh được phối hợp tổ chức quy mô trên toàn tỉnh, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh về nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục trung học đã đổi mới các hoạt động giáo dục hướng nghiệp theo hướng giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục cơ bản giúp cho học sinh nắm được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội, phương hướng phát triển nền kinh, tạo cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình học sinh.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước định hình, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đổi mới phương thức tuyển sinh; chú trọng điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo gắn với một số nghề đặc thù phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh…

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra của Đề án; chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học chưa cao; chưa có sự phối hợp tốt giữa các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc hỗ trợ học sinh có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp ra trường...

Tại Hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian tham luận, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc ghi nhận những nỗ lực của các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc tích cực tham mưu, triển khai thực hiện Đề án. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến quán triệt về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT nhằm nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học sinh và người dân; tiến hành rà soát các chỉ tiêu đề ra, trên cơ sở đó tiếp tục đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh vào chủ trương, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cơ quan, đơn vị và địa phương.

Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương hoàn thành các mục tiêu của Đề án đề ra trong giai đoạn 2018 - 2025, tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng truyền thông, tích cực vận động, định hướng cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT không đủ điều kiện học chương trình phổ thông và đại học tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên cấp THCS thực hiện Chương trình GDTX và phối hợp với UBND các huyện hỗ trợ đội ngũ giáo viên cấp THPT tham gia giảng dạy tại các Trung tâm GDNN - GDTX...

Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động; phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp định hướng nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề và điều chỉnh, cập nhật mới chương trình, tài liệu đào tạo nghề; linh hoạt mở lớp dạy nghề đối với những nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chương trình, đề án và gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp...

UBND các huyện, thành phố cần rà soát, kiện toàn lại bộ máy, nhân sự đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDNN- GDTX tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện tăng cường phối hợp với Trường Cao đẳng Kon Tum và cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp các ngành, nghề theo yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tăng cường liên kết, phối hợp tổ chức cho học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề trung cấp (theo mô hình 9+) đảm bảo 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học cấp THPT...

Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH cùng UBND các huyện, thành phố tiến hành ký kết Chương trình phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” gắn với phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu đảm bảo nâng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông năm 2023 chuyển sang học nghề đạt tỷ lệ 25%, đến năm 2024 đạt tỷ lệ 35% và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40%.

Đắc Vinh

 

Chuyên mục khác