24/07/2019 20:30
|
Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Văn bản liên tịch số 940/VBLT-NHCSXH-HLHPN ngày 23/12/2003 đã ký kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.
Trong hơn 15 năm qua, hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã đạt tổng doanh số cho vay lũy kế ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ đạt 2.161,4 tỷ đồng với hơn 54 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số cho vay năm sau đều cao hơn năm trước và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ cho vay ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ còn 1.032,4 tỷ đồng, chiếm 40,8% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tăng 982,4 tỷ đồng so với năm 2002 và tăng 62,9 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Đến nay còn 25.813 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cho vay ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ còn dư nợ. Dư nợ bình quân cho vay đạt 39,9 triệu đồng/hộ. Một số huyện, thành phố có số dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ cao như thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, Đăk Hà. Hiện, nợ quá hạn cho vay ủy thác qua Hội Liên hiệp phụ nữ còn 2,3 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng dư nợ ủy thác và chiếm 31,9% tổng dư nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Hội nghị thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những ưu điểm trong hoạt động ủy thác cho vay qua Hội Liên hiệp phụ nữ vẫn còn một số tồn tại như nợ quá hạn và lãi tồn đọng trong dư nợ ủy thác còn cao; chất lượng thực hiện Văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác của một số hội cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; huy động tiền gửi còn đạt thấp…
Để tiếp tục thực hiện tốt Văn bản liên tịch, hội nghị tập trung thảo luận và thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới như: Tiếp tục tuyên truyền, tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác huy động vốn; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại; kiểm tra, giám sát tốt việc sử dụng vốn vay của từng hộ và đôn đốc thu hồi các món nợ đến hạn; hàng tháng có đánh giá các chỉ tiêu đạt được và các chỉ tiêu chưa đạt được để có giải pháp tiếp theo, tạo chuyển biến để sử dụng vốn vay hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng…
LS