Học tập suốt đời

06/10/2023 06:03

Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Và để xây dựng được xã hội học tập, không có con đường nào khác là mỗi người phải tự học và học suốt đời.

Tôi nhớ, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở Thành phố Hồ Chí Minh, bức ảnh bà Ngô Thị Kim Chi (64 tuổi, Quận 7) ngồi trong phòng thi, bên cạnh là những thí sinh 18 tuổi để lại ấn tượng mạnh với tôi. Bà là thí sinh cao tuổi nhất kỳ thi năm nay.

Chia sẻ với báo giới, bà Kim Chi cho biết, dang dở ước mơ học tập vì phải lo vấn đề kinh tế và chăm sóc gia đình, mãi đến năm 2016 khi các con yên bề gia thất, mới quyết tâm theo đuổi việc học và học lại chương trình lớp 6. Và sau đó, bà đã vượt qua được thử thách đầu tiên trong sự nghiệp học hành với tổng 18,88 điểm.

Trước đó, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, với tổng điểm thi bốn môn đạt 22,35 điểm, cụ ông Nguyễn Huy Kỳ, 82 tuổi, thí sinh lớn tuổi nhất của kỳ thi đã đỗ tốt nghiệp.

Cụ ông Nguyễn Huy Kỳ là học viên lớp 12B Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Khi được hỏi lý do theo đuổi việc học ở tuổi ngoài 80, cụ Kỳ cho hay vì hiện tại cụ muốn trở lại làm nghề Đông y và bắt buộc phải đi học y sĩ, mà học phải có bằng tốt nghiệp cấp III. Chính vì vậy, cụ theo đuổi nốt việc học và thi cử.

Tôi cũng còn nhớ bà ngoại kể rằng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phong trào bình dân học vụ lan đến quê nhà, mẹ tôi mới 3 tuổi, níu tay bà ngoại, đốt đuốc đến lớp xóa mù chữ ban đêm. Chỉ trong vòng vài tháng, bà tôi và mẹ tôi (học lỏm thôi) thuộc bảng chữ cái và có thể đánh vần các câu khẩu hiệu.

Sau này, 80 năm dài đằng đẵng, trải qua bao nhiêu biến cố, một tay mẹ thu vén, chèo chống gia đình, nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn. Dù là nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối, sống cực nhọc, lam lũ, nhưng mẹ đọc nhiều, hiểu nhiều, thuộc nhiều ca dao, tục ngữ.

Đến nay, mẹ tôi vẫn giữ thói quen đọc sách. Và đặc biệt, để không “lạc hậu với thời cuộc”, bà trích khoản tiền dành dụm được, nhờ con cháu mua một cái điện thoại thông minh, rồi cũng nhờ con cháu hướng dẫn cách sử dụng internet, công cụ tìm kiếm. Con cháu cự nự “bà già rồi, mắt kém rồi, lên mạng chi”. Bà nói “tau lên để đọc tin tức, để coi cái chi hay thì học. Ngày xưa nghèo khó còn học được, bây giờ sướng rồi, mắc chi không học.”

Thế là chỉ ít ngày là bà có thể lướt mạng đọc báo, sử dụng zalo.

Kể lại mấy câu chuyện trên là vì tôi tin rằng, câu chuyện vượt khó học tập của các cụ mang tinh thần khuyến học, khích lệ cao hơn rất nhiều những lời kêu gọi.

Học tập suốt đời là quyền lợi nhưng tôi nghĩ cũng là nhiệm vụ của mỗi người, nếu không muốn bị tụt hậu. Nhất là khi thế giới thay đổi liên tục nhờ công nghệ như hiện nay, thì việc học cần được dành thời gian thường xuyên hơn.

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Và để xây dựng được xã hội học tập, đòi hỏi mỗi người phải luôn phát huy tinh thần tự giác, tự học và học tập suốt đời.

Hiếu học, từ ngày xưa, đã là một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Việc học ngày nay không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học tốt đẹp đó mà còn được xem như một trong những nhu cầu cơ bản, tất yếu của đời sống, là cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân phát huy tốt nhất năng lực bản thân, sống hạnh phúc hơn và thăng tiến hơn.

Học tập suốt đời, không chỉ ở trường lớp, mà còn từ người xung quanh. Ảnh: HL

 

Nhưng học tập cũng không phải là việc ngày một, ngày hai, mà là việc suốt đời, không chỉ là việc của một hay hai người mà là của tất cả mọi người, không chỉ học ở trường học mà là học ở tất cả mọi nơi.

Ngày nay, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, một hệ thống giáo dục đồng bộ, hiệu quả đã được xây dựng, củng cố, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tự học và học tập suốt đời của mỗi người.       .

Các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, động viên nhân dân tham gia học tập.

Xây dựng và phát huy phong trào học tập suốt đời ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: HL

 

Vậy thì có gì mà không thể thực hiện học tập suốt đời?

Cách đây ít hôm, một giám đốc doanh nghiệp tư nhân khoe với tôi mới đăng ký tham gia một khóa tiếng Trung ở một  trung tâm ngoại ngữ. “Ủa, anh lớn tuổi rồi, học hành chi nữa”- tôi ngạc nhiên hỏi.

“Mới U60, mắc chi không học. Biết thêm một thứ tiếng cũng tốt, sẽ bổ trợ rất nhiều cho công việc kinh doanh của mình”- anh nói tỉnh rụi.

Nghe vậy, tôi tự thấy xấu hổ, vì mấy năm trước, tôi từng ấp ủ dự định tham gia một khóa học tiếng Anh. Nhưng phần vì công việc bận rộn, phần vì e ngại cảnh ê a học ngoại ngữ nên lần lữa mãi, rồi thôi luôn.

Thời đi học, do ở quê nghèo, tôi không được học ngoại ngữ. Mãi đến khi vào đại học tôi mới được tiếp xúc tiếng Anh. Sau 4 năm, vốn liếng tiếng Anh của tôi chỉ là dăm câu nói ngắn, phát âm sai và vốn từ vựng ít ỏi.

Từ khi đi làm, tôi bị cuốn vào công việc, vốn chỉ giao tiếp, viết lách bằng tiếng Việt, nên vốn tiếng Anh ít ỏi đó cũng mất.

Mấy hôm trước, theo anh bạn đi tiếp đối tác nước ngoài, nghe họ giao tiếp với mình bằng tiếng Việt lưu loát, tôi thấy mình tụt hậu. Họ có thể nói tiếng Việt với mình, sao mình không thể nói tiếng Trung với họ?

Và tôi đã hiểu rõ vì sao một giám đốc doanh nghiệp tư nhân lại quyết tâm đi học thêm ngoại ngữ khi ở tuổi 60.

Cho nên ý thức học tập suốt đời phải được thấm sâu, lan tỏa, trở thành nhu cầu tự thân của từng cá nhân, từng tập thể. Mỗi người luôn cần có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ những giới hạn hiện tại của tri thức, tự tạo ra những chân trời tri thức mới và không ngừng trau dồi kỹ năng sống cho bản thân.

Nếu không muốn bị tụt hậu trong kỷ nguyên số!   

Hồng Lam

Chuyên mục khác