Học kỳ trong quân đội: Sân chơi trải nghiệm mùa hè cho các em

16/06/2017 07:15

Chương trình “Học kỳ trong quân đội” do Tỉnh đoàn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lần đầu từ năm 2010. Thời điểm đó, toàn bộ 50 em tham gia chương trình đều được hỗ trợ mọi chi phí. Với hiệu quả mang lại, Chương trình nhanh chóng được phụ huynh và các em học sinh hồ hởi đón nhận...

Sự lan tỏa của chương trình

Đến hẹn lại lên, khi học kỳ II vừa kết thúc, cũng là lúc Tỉnh đoàn tổ chức tuyển sinh “Học kỳ trong quân đội”. Năm nay, các em đăng ký khá đông, nhưng trong điều kiện cho phép, chương trình cố gắng lắm cũng chỉ tiếp nhận 246 em, tổ chức làm 1 đợt, thời gian 10 ngày (từ ngày 9-18/6) tại Trung đoàn 990 (đóng tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô).

Chị P.H chia sẻ với chúng tôi: Qua tìm hiểu, tôi thấy chương trình rất thiết thực. Còn con tôi nghe các bạn đã tham gia chương trình kể lại cũng háo hức mong được trải nghiệm những ngày trong quân ngũ. Năm ngoái vì đăng ký muộn nên con tôi không được tham gia chương trình vì đã vượt chỉ tiêu. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi đăng ký sớm từ giữa tháng 5. Khi nghe tin trúng tuyển, cháu háo hức lắm, mong ngóng đến ngày lên đường...

Để hiểu thêm về chương trình, tôi có trao đổi với chị Thơm, mẹ của em Nguyên Hoàng (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc) - học viên của chương trình năm trước, chị cho biết: Vì mong muốn con mình mạnh dạn, biết chia sẻ, tự giác hơn và được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ; hơn nữa, thấy con háo hức và thích thú nên tôi đã cho con tham gia. Mới đầu, tôi cũng lo lắm vì đây là lần đầu con sống xa cha mẹ, khi chia tay, nhìn cháu chững chạc trong bộ quân phục, cử chỉ dứt khoát nên cũng yên tâm phần nào. Mừng nhất là sau chương trình, tôi thấy con tự tin hơn, phấn khởi, hào hứng vì được học những điều mà ở trường chưa bao giờ được trải nghiệm...

Các em tạm biệt người thân lên đường "nhập ngũ"

 

Chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm nay, các anh chị trong Trung tâm VHTT-TTN tỉnh (Tỉnh đoàn) vừa được tập huấn tại Hải Phòng đã áp dụng 3 chủ đề mới so với các năm trước, đó là: Nhập ngũ rèn cho các em về kỹ năng giao tiếp và nói trước đám đông; Thích nghi tạo thói quen tốt và rèn luyện thói quen để thành đạt; Chủ đề đoàn kết hướng dẫn các em các trò chơi về kỹ năng xây dựng tình đoàn kết, kỹ năng làm việc theo nhóm…

Đại diện các em tham gia chương trình phát biểu cảm tưởng
Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh trước lúc lên đường

 

Anh Phạm Văn Thắm - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT-TTN tỉnh cho biết: Chương trình này có sức lan tỏa rất lớn bởi vì các em được giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội nhằm nâng cao ý thức tự lập, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm, giáo dục về sự sẻ chia, trách nhiệm và tình cảm của bản thân với bạn bè, gia đình, xã hội… Ngoài ra các em còn được biết thêm về kiến thức quốc phòng, làm quen với một số vũ khí, hành quân dã ngoại và tham gia một số hoạt động văn nghệ, tập các thế võ, dân vũ quốc phòng…

Anh Thắm cho biết thêm: So với các tỉnh khác thì ở Kon Tum mức học phí các em tham gia rất thấp, chỉ đủ chi phí cho các em ăn uống, quần áo và các vật dụng cá nhân, còn khâu tổ chức và xe đưa đón các em... do Ban tổ chức chương trình chi trả.

Trải nghiệm của các chiến sĩ nhí

Để “mục sở thị” các chiến sĩ nhí tham gia học kỳ trong quân đội, chúng tôi cùng Đại úy Trương Châu Hồng Hải - Phó Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 304 (Trung đoàn 990) ra thao trường huấn luyện.

Nhìn các chiến sĩ nhí xúng xính trong bộ quân phục tíu tít giữa vườn tràm xanh ngút trông thật đáng yêu. Từng tốp các chiến sĩ nhí đang tập luyện hành quân, trú quân khu vực dã ngoại... 246 chiến sĩ nhí được biên chế thành 3 trung đội, mỗi trung đội có 4 tiểu đội, mỗi tiểu đội có khoảng 20 chiến sĩ.

Luyện tập điều lệnh trên thao trường

 

Là người đồng hành với các em trong Chương trình “Học kỳ trong quân đội”, Đại úy Trương Châu Hồng Hải chia sẻ: Vào dịp nghỉ hè, các em được trải nghiệm chương trình này thật ý nghĩa và bổ ích. Bên cạnh rèn nhân cách, các kỹ năng trong cuộc sống, trong thời gian này, các em còn được tìm hiểu truyền thống của quân đội, thực hành huấn luyện điều lệnh đội ngũ, huấn luyện công sự ngụy trang, tìm hiểu một số vũ khí, huấn luyện chống rắn cắn, côn trùng và sơ cấp cứu... Qua những ngày trải nghiệm trong quân đội, các em sẽ trưởng thành và ý thức hơn...

Tìm hiểu các loại vũ khí

 

Trò chuyện với nữ chiến sĩ nhí Đỗ Minh Thư, tiểu đội 11, em tâm sự: Năm nay em lên lớp 6, Trường THCS Lý Tự Trọng. Buổi sáng, chúng em dậy từ 5h15, hít thở không khí trong lành cùng với những bài tập thể dục buổi sáng. Sau sinh hoạt cá nhân, chúng em thực hiện chương trình sinh hoạt tập thể, em đều thích nghi và tiếp thu tốt.

Anh cả của tiểu đội 3, em Nguyễn Tấn Dũng - học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Đăk Glei thì chia sẻ: Vì muốn trưởng thành và sống có kỷ luật hơn nên em đã xin cha mẹ cho tham gia chương trình. Những ngày qua thật thú vị, em và các bạn được học điều lệnh đội ngũ, được hướng dẫn tăng gia sản xuất, tổ chức chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”, tập dân vũ, chơi thể thao…

Trao đổi với anh Lê Ngọc Sơn - cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, chúng tôi được biết: Trung đoàn 990 quản lý chương trình “Học kỳ trong quân đội” từ lúc bắt đầu tổ chức cho đến nay. Các anh ở đây hướng dẫn và chỉ bảo các cháu rất tận tình, quan tâm, chăm sóc từng bữa cơm và giấc ngủ cho các cháu. Cùng với việc rèn luyện tính kỷ luật, kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết..., chúng tôi còn phối hợp tổ chức các chương trình khơi gợi tình cảm, xây dựng nhân cách cho các em. Điển hình như “chuyên đề biết ơn cha mẹ”, sau mấy ngày xa nhà,  chương trình sẽ tổ chức một buổi tối thảo luận về công ơn cha mẹ, rồi để các em viết thư về thăm cha mẹ. Khi nhận được thư con, cha mẹ cũng hồi âm gửi qua chương trình. Qua chuyên đề, các em đã nhận thức được tình cảm của mình dành cho cha mẹ và của cha mẹ dành cho con, trân trọng và yêu quý gia đình hơn. Các em đã nhận ra và hứa sẽ sửa chữa những lỗi lầm của mình đã làm cha mẹ phiền lòng…

Các anh nuôi chuẩn bị bữa ăn cho các em

 

“Các em cũng rất hào hứng với chuyên đề “Giã từ sự gian dối”, bởi chuyên đề này giúp các em giải tỏa được những khúc mắc trong lòng bằng việc viết ra giấy những chuyện gian dối mà các em đã lỡ làm mà không dám kể rồi mang đốt và hứa sẽ không bao giờ lập lại” - anh Sơn chia sẻ.

Điều phối viên Vũ Thị Uyên - phụ trách tiểu đội 2 tâm sự: Lần đầu tiên xa gia đình, các em cũng rất bỡ ngỡ, mà cha mẹ cũng rất lo lắng. Để các em được hòa nhập tốt và mang lại hiệu quả cao từ chương trình, phụ huynh cần tin tưởng tuyệt đối vào ban tổ chức. Từ các thành viên ban tổ chức, đến các điều phối viên, cán bộ chiến sĩ quân đội tham gia chương trình đều luôn quan tâm, chăm lo, cố gắng để các em có được một kỳ nghỉ hè đáng nhớ, bổ ích.

Để trải nghiệm thêm hoàn thiện

Chương trình “Học kỳ trong quân đội” đã và đang được đông đảo phụ huynh và các em học sinh đón nhận. Để chương trình ngày càng hoàn thiện hơn không thể bỏ qua một vài ý kiến của các bậc phụ huynh và các em.

Chị Lan, phường Quyết Thắng có con học Trường THCS Lý Tự Trọng vừa rồi cũng đăng ký cho con tham gia, nhưng chương trình đã vượt quá chỉ tiêu, chị và cháu rất buồn và mong chương trình nên tăng thêm thành 2 đợt để các em đều được tham gia.

Còn em Nguyên Hoàng - học sinh Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc đã tham gia năm ngoái đề xuất, nội dung chương trình cần thay đổi để những năm sau các em lại tiếp tục tham gia, không bị nhàm chán.

Em Trần Phương Anh - học sinh Trường THPT Kon Tum cho biết: Em xác định sau này sẽ phục vụ trong quân đội nên đã đăng ký tham gia chương trình để rèn tính kỷ luật, kỷ cương cho mình. Em thấy chương trình cần chia lứa tuổi để chúng em dễ thích nghi hơn. Chẳng hạn như phân các em từ lớp 6 đến lớp 7 thành một nhóm, cường độ huấn luyện nhẹ hơn và thời gian khoảng 10 ngày là hợp lý; còn các bạn từ lớp 8 đến 11, cường độ huấn luyện tăng lên và thời gian cũng nhiều hơn.

Trong bài viết “Học kỳ quân đội - Cần nhưng chưa đủ”, đăng trên Báo Kon Tum cuối tuần số 168 ra ngày 4/6/2017,  anh Nguyễn Hoàng Duy chia sẻ, cậu con trai khi tham gia chương trình về, tuần đầu tiên mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày diễn ra rất tốt như biết cách sống chuẩn mực hơn, dậy sớm hơn, ăn uống nhanh, biết sắp xếp chăn, màn ngăn nắp… nhưng sau một tuần thì đâu lại vào đó. Theo ý kiến của anh thì thời gian khóa học của chương trình quá ngắn, chưa đủ thời gian để các em hình thành và duy trì thói quen tốt. Theo anh, không chỉ “Học kỳ trong quân đội” mà cần có thêm những “khóa học thực tế” khác...

Trao đổi với anh Phạm Văn Thắm về những ý kiến trên, anh cho biết: Năm 2018, Trung tâm sẽ phối hợp thực 2 chương trình là “Học kỳ trong công an” và “Học kỳ trong quân đội” để đáp ứng được hết số các em đăng ký tham gia chương trình. Hơn nữa, việc tuyển sinh sẽ sớm hơn mọi năm, để bố trí thời gian các kỳ học cho hợp lý. Dự kiến thời gian khóa học sẽ kéo dài 15 ngày hoặc khóa học chia làm 2 kỳ từ dễ đến khó.

Là người luôn đồng hành cùng các em, anh Thắm cũng đề xuất tỉnh cho thu thêm học phí để chương trình tự trang trải không còn phải dựa vào bao cấp của nhà nước và nâng cấp thêm chương trình để chương trình có chất lượng tốt hơn, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của phụ huynh.

Hiện nay, sân chơi cho các em thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh trong dịp hè không nhiều, việc hoàn thiện chương trình “Học kỳ trong quân đội” tạo sân chơi lý tưởng cho các em là việc làm cần thiết.

Bài và ảnh: Gia Thịnh

Chuyên mục khác