Học để đổi thay nếp nghĩ, cách làm

15/09/2021 06:03

Có mối liên hệ mật thiết giữa Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và Nghị quyết 02-NQ-TU “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bởi việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS chính là điều kiện tiên quyết nâng cao dân trí, tạo ra sự thay đổi toàn diện trong nếp nghĩ, để thay đổi bền vững cách làm.

1. Năm học mới 2021-2022 bắt đầu. Cùng những khó khăn cũ của các năm học trước thì năm học mới này, giáo viên, học sinh phải đối mặt thêm khó khăn mới – dịch bệnh Covid -19.

Trước hết phải nói về những khó khăn cũ. Đối với tỉnh miền núi với hơn 53% đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,29% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh (trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 18,75% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh) thì những rào cản về nhận thức, về chuyện đói - no, về những xa xôi, cách trở do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt… ảnh hưởng không nhỏ đến con đường đến trường của các em.

Năm học nào cũng vậy, vào đầu năm học, sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số luôn là nỗi niềm của không ít giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân đặc biệt quan trọng là do người dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc đưa con em đến trường, chưa coi việc học là cần thiết. Con chểnh mảng, học hành sa sút, ngại đến trường, phụ huynh ít quan tâm nhắc nhở, thậm chí còn “bật tín hiệu”, thôi học sớm còn tham gia lao động kiếm thêm ngày công, kiếm thêm ít lúa gạo phụ giúp gia đình...

Nói cách khác, các bậc phụ huynh vẫn duy trì nếp nghĩ cũ, cho rằng cái chữ không làm no cái bụng. Mà khi vẫn duy trì nếp nghĩ cũ ấy, cộng thêm khoảng cách từ nhà đến trường phải vượt cả chục cây số của học vùng sâu, vùng xa các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông… trong mưa dầm, gió lạnh…  khiến các em dễ chùn bước.

Trường TH-THCS Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi) chia nhóm học ở làng Nông Nội. Ảnh: PN

 

Năm học này, lại thêm khó khăn mới: ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19. Dù trên địa bàn tỉnh chưa có ca bệnh trong cộng đồng, nhưng dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, sinh hoạt của nhiều gia đình, vốn khó khăn càng khó khăn hơn. Khi những băn khoăn cũ vẫn còn, cộng thêm khó khăn mới vì dịch bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động, hướng dẫn, hỗ trợ, giảng dạy trong năm học mới này.

Hiểu được những khó khăn cũ, mới của học sinh, đặc biệt học sinh vùng DTTS, ngành Giáo dục tỉnh hiện đang triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các em học sinh DTTS ở vùng khó khăn, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các điểm trường ở các thôn, làng… để tạo điều kiện cho các em được học gần nhà, hỗ trợ các em ăn ở bán trú, nội trú; tổ chức dạy học dưới nhiều hình thức, trong đó chú trọng dạy học theo nhóm tới tận các thôn, làng để thực hiện hiệu quả phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

2. Cùng với việc triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ-TU “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Có mối liên hệ mật thiết giữa Cuộc vận động và Nghị quyết này. Bởi việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS chính là điều kiện tiên quyết để nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh vùng DTTS nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Thực tế cho thấy với đặc thù của tỉnh miền núi thì việc nâng cao dân trí, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống chỉ trở thành hiện thực khi giáo dục đủ mạnh. Cái chữ không làm no cái bụng ngay tức thời, nhưng sau một thời gian không xa, cái chữ sẽ làm cho lúa nhiều bông, cho cuộc sống ngày càng ấm no bền vững.

Một khi nhận thức hạn chế  tất yếu sẽ khó thay đổi hành vi, luẩn quẩn trong những cách làm cũ: sản xuất nông nghiệp trông chờ hoàn toàn vào tự nhiên, thiếu chăm sóc, tính toán; nuôi nhốt gia súc ở gần nhà, không có nhà vệ sinh, không biết trồng rau xanh quanh vườn để cải thiện bữa ăn gia đình hàng ngày, không biết chi tiêu tiết kiệm... Một khi hạn chế trong việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, những cách làm ăn mới sẽ dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế gia đình. Một khi thiếu tri thức cũng sẽ khó mà tiếp cận được thông tin để đẩy lùi các hủ tục, thói quen lạc hậu, mãi luẩn quẩn trong nếp nghĩ tự ti, mặc cảm, được chăng hay chớ, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Và tất yếu khi khó thay đổi nếp nghĩ thì tất yếu khó thay đổi cách làm. Sẽ khó mà thay đổi, xóa bỏ những nghi lễ mê tín dị đoan, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tệ nạn rượu chè triền miên, lười biếng lao động, sinh nhiều con...

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS là một quá trình lâu dài, bắt đầu từ chính việc thay đổi về nhận thức. Chính vì vậy, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS có ý nghĩa rất quan trọng. Được thầy cô giáo trang bị kiến thức, tri thức, vài năm sau, các em học sinh DTTS hôm nay sẽ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, không còn nặng gánh những hủ tục, sẵn sàng bước qua những nếp nghĩ cũ, cách làm cũ, tự hình thành cho mình nếp nghĩ mới, cách làm mới và trở thành những hạt nhân tiêu biểu để dân làng cùng học tập, làm theo.

Học để nâng cao dân trí. Học để thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách làm. Bởi vậy, quan tâm hỗ trợ để học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh vượt qua những khó khăn cũ, mới trong năm học 2021-2022, đạt được mục tiêu năm học đề ra, đạt được mục tiêu “khai trí” là hết sức cần thiết. Đó không chỉ là chuyện của riêng năm học này, mà còn là yêu cầu tất yếu cả trong các năm học tiếp theo...

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác