24/01/2020 06:26
Theo Báo cáo số 22/BC-STNMT, thực hiện ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3069/BTNMT-ĐCKS ngày 13/6/2018 và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum tại Công văn số 1826/UBND-NNTN ngày 10/7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum phối hợp với Đoàn Địa chất III (Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam) thực hiện công tác điều tra, đánh giá khoáng sản vàng gốc tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi.
Ngày 2/1, trên một tạp chí điện tử đăng tải thông tin "Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum: Lợi dụng điều tra cơ bản để rút ruột tài nguyên".
Ngay trong ngày 2/1, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi và UBND xã Đăk Kan tiến hành kiểm tra thực địa.
Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, trong quá trình thực hiện, Đoàn Địa chất III và Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, đặc biệt là UBND xã Đăk Kan.
|
Việc thi công ngoài thực địa luôn có sự giám sát của chính quyền địa phương và sự phối hợp kiểm tra thường xuyên của chủ rừng (Công ty TNHH MTV 732 và Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam).
Báo cáo số 22/BC-STNMT cũng khẳng định: thông tin đăng tải trên một tạp chí điện tử về việc Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum lợi dụng điều tra để "rút ruột khoáng sản" là không chính xác, hình ảnh kèm theo bài không đúng thực tế; không có hoạt động vận chuyển khoáng sản vào ban đêm (các hoạt động thi công đều thực hiện vào ban ngày); các loại mẫu quặng lấy trong quá trình điều tra đều được Đoàn Địa chất III gửi theo đường xe công cộng (xe khách) đến các trung tâm phân tích mẫu tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc thành phố Hà Nội chứ không vận chuyển bằng xe tải.
|
Hiện nay, Đoàn Địa chất III đã tổng hợp tài liệu lập báo cáo kết quả điều tra đánh giá trong thời gian qua. Về cơ bản, đã xác định một số thân quặng nhỏ có thể phù hợp cho khai thác quy mô nhỏ lẻ, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, Đoàn Địa chất III đang chờ một số kết quả phân tích mẫu để có cơ sở đề xuất kế hoạch tiếp theo.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hoạt động điều tra, đánh giá khoáng sản là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về chủ trương điều tra, lập bản đồ, đánh giá trữ lượng tài nguyên, khoáng sản. Đây sẽ là cơ sở đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với những khu vực có triển vọng về phát triển tài nguyên, khoáng sản để có định hướng bảo vệ, khai thác, chế biến khoáng sản trong thời gian tới (nếu đủ điều kiện); hoặc có biện pháp bảo vệ hợp lý trước các hành vi khai thác trái phép.
Trong điều kiện nguồn kinh phí từ ngân sách rất khó khăn thì việc xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh phí để thực hiện công tác điều tra, đánh giá khoáng sản là cần thiết, đem lại hiệu quả. Tất nhiên là hoạt động điều tra, đánh giá ấy phải tuân thủ pháp luật và chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của ngành chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân.
Trong quá trình thực hiện, nếu như doanh nghiệp có bất cứ hành vi vi phạm nào, bị ngành chức năng, chính quyền hoặc người dân phát hiện, chúng tôi sẵn sàng xử lý nghiêm theo quy định - ông Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm trong khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Văn Lộc đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp chấp hành đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật; đưa tin trung thực, khách quan; tham gia giám sát, phản ánh việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Hồng Lam