Hoạt động của đài truyền thanh cấp xã: Mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu

29/11/2019 13:16

Thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động của đài truyền thanh cấp xã hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, điều kiện cơ sở vật chất, giấy phép hoạt động và phương tiện kỹ thuật cũ kỹ, lạc hậu nên chưa phát huy hiệu quả trong hoạt động thông tin tuyên truyền.

Đài truyền thanh cơ sở do UBND cấp xã, phường, thị trấn quản lý, chỉ đạo; có chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước; là phương tiện truyền thông của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tỉnh Kon Tum hiện có 92 đài truyền thanh/102 xã, phường, thị trấn. Trong đó, thành phố Kon Tum có 21 đài truyền thanh cơ sở/21 xã, phường, thị trấn; Ngọc Hồi có 6/8, Đăk Tô có 8/9, Kon Rẫy có 6/7, Đăk Glei có 10/12, Sa Thầy có 11/11, Tu Mơ Rông có 10/11, Kon Plông có 9/9, Đăk Hà có 11/11; riêng huyện Ia H’Drai chưa có đài truyền thanh cơ sở.

Toàn tỉnh hiện có 912 cụm loa truyền thanh ở các thôn làng, tổ dân phố đang hoạt động, đáp ứng được việc tiếp âm, phát sóng các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh, Đài TT-TH huyện phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Diện tích phủ sóng của các đài truyền thanh cấp xã tính trên toàn tỉnh đạt trên 85% khu dân cư.

UBND cấp xã bố trí cán bộ phụ trách trạm truyền thanh trực và vận hành đài truyền thanh đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát thanh, truyền thanh theo thời lượng, khung giờ quy định. Một số địa phương quan tâm hỗ trợ thêm cho người vận hành đài truyền thanh theo khả năng ngân sách của địa phương (các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Sa Thầy). Hàng năm, đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, vận hành hoạt động trạm truyền thanh xã được tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống truyền thanh; kỹ năng viết và biên tập tin, bài do Sở TT&TT, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tổ chức.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động của đài truyền thanh cấp xã hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, điều kiện cơ sở vật chất, giấy phép hoạt động và phương tiện kỹ thuật cũ kỹ, lạc hậu nên chưa phát huy hiệu quả trong hoạt động thông tin tuyên truyền. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 30/92 trạm truyền thanh đang bị hư hỏng ngưng hoạt động; trong đó huyện Đăk Tô 5 đài, huyện Kon Rẫy 4 đài, thành phố Kon Tum 5 đài, huyện Sa Thầy 4 đài, huyện Đăk Glei 2 đài, huyện Đăk Hà 4 đài, huyện Kon Plông 1 đài, huyện Tu Mơ Rông 5 đài. Đài truyền thanh của nhiều xã không có, hoặc thất lạc, hết hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; đa số hệ thống máy phát của đài truyền thanh cơ sở được bố trí chung phòng làm việc với các ban, ngành khác tại UBND xã nên ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và bảo quản trang thiết bị kỹ thuật.

Truyền thanh cơ sở tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị đến với nhân dân. Ảnh: QĐ

 

Hệ thống các cụm thu sóng, loa phát thanh chưa đảm bảo tỷ lệ 100% khu dân cư được trang bị cụm loa truyền thanh không dây phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Một số huyện do địa hình chia cắt, nhiều vùng lõm, các hộ dân sinh sống không tập trung, do đó, tỷ lệ người dân không được tiếp cận thông tin vẫn còn cao. Đơn cử như huyện Đăk Glei chỉ có 70/112 thôn được phủ sóng (đạt tỷ lệ 71,4%), còn 32 thôn không thu được sóng truyền thanh, 8 thôn làng chưa tiếp sóng được (3 xã Đăk Choong, Đăk Long, Đăk Nhoong), 1 thôn tại xã Đăk Blô không thu được sóng; xã Tân Cảnh (huyện ĐăkTô) có 30% người dân chưa tiếp cận thông tin.

Phần lớn các đài truyền thanh cơ sở chưa tự sản xuất được các chương trình phát thanh của địa phương mà chủ yếu thực hiện hoạt động truyền thanh các thông báo, văn bản chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và tiếp âm, phát lại chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và truyền thông huyện, thành phố; chưa xây dựng chương trình phát thanh tiếng DTTS trên địa bàn để phục vụ công tác tuyên truyền. Hầu như các đài truyền thanh cấp xã chưa xây dựng được Quy chế hoạt động của đài cấp mình theo Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở. Một số nơi có ban hành nhưng thẩm quyền ban hành, nội dung ban hành không thống nhất. Nhiệm vụ, nội dung hoạt động của đài, trách nhiệm bảo quản tài sản, quy định trách nhiệm của người vận hành đài, kinh phí hoạt động của một số đài còn nhiều bất cập…

Một số đài được đầu tư trước năm 2015 từ nhiều chương trình, dự án khác nhau đều được đơn vị lắp đặt bàn giao lại giấy phép sử dụng tần số, nhưng đến nay đã thất lạc, hết hạn sử dụng nhưng chưa làm thủ tục đề nghị cấp mới hoặc cấp lại; cụ thể huyện Ngọc Hồi 3/6 đài có giấy phép hoạt động, Đăk Tô 3/8 đài có giấy phép hoạt động, Kon Rẫy 4/6 đài có giấy phép hoạt động và thành phố Kon Tum 13/21 đài có giấy phép hoạt động, 2/21 đài hết giấy phép hoạt động, 6 đài thất lạc giấy phép hoạt động.

Kinh phí duy trì hoạt động của đài truyền thanh cấp xã được bố trí chung trong kinh phí sự nghiệp văn hoá-thông tin, nhưng thực tế ít đơn vị bố trí cho hoạt động của đài truyền thanh đối với các nội dung sửa chữa nhỏ, hỗ trợ thêm cho người vận hành đài. Đơn cử như huyện Đăk Tô bố trí 12 triệu đồng/năm/đài/xã nhưng kinh phí sử dụng khác nhau ở từng xã (xã Diên Bình hỗ trợ người vận hành đài 1 triệu đồng/tháng; xã Tân Cảnh, đến tháng 10/2019 chưa sử dụng kinh phí này); tại huyện Sa Thầy, xã Sa Bình bố trí thêm 5 triệu đồng/năm để chi sửa chữa nhỏ cho trạm phát và hệ thống cụm loa, hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho người vận hành đài; huyện Đăk Glei bố trí 8 triệu đồng/năm/xã, trong đó, chi tiền điện 3 triệu đồng, chi trợ cấp 5 triệu đồng, bình quân 1 cán bộ kiêm nhiệm nhận 375.000 đồng/người/tháng.

Để đài truyền thanh cấp xã hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền ở địa phương, trong thời gian tới, UBND các huyện, thành phố cần quan tâm đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hệ thống truyền thanh cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ phụ trách đài truyền thanh bảo đảm tính ổn định; bố trí kinh phí và có chế độ hỗ trợ phù hợp cho cán bộ phụ trách đài. Hướng dẫn UBND các xã thành lập ban biên tập, xây dựng quy chế hoạt động; định hướng nội dung, thời lượng chương trình, đảm bảo thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin của địa phương đến các tầng lớp nhân dân.        

Quang Định

Chuyên mục khác