Hoàn thiện nền tảng của chính quyền điện tử

02/05/2020 06:04

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động xây dựng nền tảng của chính quyền điện tử. Việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực.

Theo đồng chí Trần Thị Nga – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2019, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ theo Quy chế đã được ban hành. Các sở, ban ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) do thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm trưởng ban nhằm tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử tỉnh thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Trong đó, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông là hạt nhân trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử tỉnh.

Theo đó, ngày 22/4/2019, UBND tỉnh phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum, phiên bản 1.0 và triển khai áp dụng Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh; đồng thời, chỉ đạo tổ chức cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0; nghiên cứu thành lập Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm điều hành và giám sát đô thị thông minh; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 -2020 gắn với đề xuất xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh.

Hạ tầng viễn thông tiếp tục được đầu tư phát triển, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, chất lượng đáp ứng phục vụ triển khai các giải pháp về CNTT và thông tin liên lạc các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với Viễn thông Kon Tum triển khai đảm bảo hạ tầng kỹ thuật; hệ thống họp hội nghị truyền hình trực tuyến; đảm bảo mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tham mưu cho Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử các giải pháp triển khai thuê các ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh trên nền tảng điện toán đám mây nhằm tối ưu hóa hạ tầng CNTT.

Các xã, phường, thị trấn thực hiện chữ ký số trên môi trường mạng. Ảnh: VN

 

Qua thực hiện, một số chỉ tiêu xác định trong giai đoạn 2019-2020 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ “Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025” được UBND tỉnh chỉ đạo đạt và vượt kế hoạch đề ra, bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực: Triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT-Ioffice, kết nối tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia; ký số trên tất cả các văn bản điện tử của UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật) giữa UBND tỉnh với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Chính phủ.

Việc triển khai chữ ký số trong hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đem lại những kết quả tích cực. Qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã không gửi văn bản giấy đối với 22 loại văn bản điện tử đã ký số. Tính đến tháng 12/2019, tổng số chứng thư số trên toàn tỉnh là 54 sim PKI; 1.241 thiết bị cấp cho đối tượng cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến huyện, xã. Việc ứng dụng chữ ký số được đẩy mạnh góp phần hiện đại hóa nền hành chính công

Trong năm 2019, tổng số văn bản trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước với 3.465.891 văn bản, tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ có áp dụng chữ ký số đạt 100% (trừ văn bản mật). Trong đó, khi áp dụng hệ thống Ioffice (từ ngày 12/03/2019 đến ngày 31/12/2019), toàn tỉnh xử lý 144.922 văn bản đi - tỷ lệ văn bản ký số/tổng số văn bản đi - đạt 77,94%. Trong đó, có 137.171 văn bản hoàn toàn điện tử - tỷ lệ 94,65%.

Việc triển khai hệ thống phần mềm Dịch vụ công trực tuyến - Một cửa điện tử tỉnh VNPT-iGate chính thức đi vào hoạt động. UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành và Viễn thông Kon Tum rà soát, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Kết quả trên cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay tỉnh Kon Tum công khai 1.624 thủ tục hành chính và đã hoàn thành đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với tổng số lượng 591 thủ tục hành chính. Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định, đảm bảo kết nối, cung cấp thông tin và dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi.

Trung tâm Phục vụ hành chính công được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 18/7/2019, đảm bảo lộ trình của Chính phủ về vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia gắn với thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Ban Chỉ đạo xây dựng về Chính quyền điện tử tại các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục được kiện toàn.

Công tác quản lý nhà nước về CNTT được tăng cường. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được cải thiện.

Việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm mã độc, cải thiện mức độ tin cậy các hệ thống thông tin của tỉnh trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Trung ương, Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII "về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng" được quan tâm triển khai thực hiện...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hạ tầng, thiết bị về CNTT cũng như việc ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thiếu đồng bộ, tập trung nhưng chưa được rà soát, đánh giá để có giải pháp triển khai hiệu quả, tránh lãng phí; việc khai thác phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT - Ioffice, gắn với việc ứng dụng chữ ký ở một số đơn vị, địa phương còn chưa cao; lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực CNTT còn mỏng, trình độ, năng lực chuyên môn chưa cao, thiếu chuyên nghiệp nhất là ở cơ sở...

Mục tiêu đặt ra năm 2020 là hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.         

Văn Nhiên

Chuyên mục khác