Hoàn thiện hệ thống giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

16/03/2019 06:16

​Từ thành thị đến nông thôn, cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất trên địa bàn tỉnh đã có sự hiện diện của những con đường nhựa hoá, bê tông hóa. Sự phát triển ấy, tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đời sống bà con vùng sâu vùng xa từng bước được nâng lên rõ rệt; đói nghèo dần được thay thế bằng sự no đủ, hạnh phúc...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, ngành Giao thông Vận tải tỉnh tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương, cũng như huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.940km đường giao thông. Trong đó, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài là 444km, tỉnh lộ gồm 13 tuyến với tổng chiều dài là 414km, đường huyện có tổng chiều dài 625km, đường đô thị có tổng chiều dài 448km, đường xã có tổng chiều dài là 948km và đường thôn xóm, nội đồng có tổng chiều dài hơn 2.510km, đường chuyên dùng có tổng chiều dài 28km, hai tuyến đường Tuần tra biên giới với tổng chiều dài 435km và đường Trường Sơn Đông với tổng chiều dài 52km.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ đường bê tông nhựa chiếm hơn 20%, đường bê tông xi măng chiếm khoảng gần 30%, đường láng nhựa chiếm hơn 18% và đường đất, cấp phối chiếm khoảng gần 32%; 100% số xã có đường giao thông khá hoàn chỉnh, ô tô đến được trung tâm xã. Điều đáng mừng là hiện có 18/86 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, bảo đảm theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những ưu tiên của tỉnh trong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đã góp phần giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế gia đình.

Những tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư mở rộng đã có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: P.N

 

Đến nay, hệ thống giao thông có nhiều thay đổi tích cực, tạo nên “hệ thống huyết mạch” hoàn chỉnh để nền kinh tế - xã hội của tỉnh vận hành trơn tru. Trong đó, giao thông đối ngoại không chỉ phá thế ngõ cụt mà còn đảm bảo giao lưu thuận tiện cả bốn hướng - đi các tỉnh phía bắc, phía nam bằng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14, xuống các tỉnh ven biển bằng Quốc lộ 24 và kết nối với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan bằng Quốc lộ 40 theo hướng liên kết giữa các vùng, miền, mở hướng giao thương thông suốt, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển...

Ngoài những tuyến đường đối ngoại, vươn tới liên kết với các tỉnh thành khác trong cả nước thì tỉnh ta cũng quan tâm, tập trung các nguồn vốn để đầu tư những tuyến đường giao thông nội vùng, tạo sự liên kết đối với sự phát triển giữa các địa phương.

Còn nhớ trước đây, mỗi lần đi huyện như Đăk Glei hay Kon Rẫy, Kon Plông cũng phải mất cả ngày “đánh vật” với con đường “mưa lầy nắng bụi”, đất đá lởm chởm mới tới trung tâm huyện. Muốn vào tới xã Mường Hoong- Ngọc Linh thì phải mất gần một ngày đường đi bộ băng rừng, vượt suối. Còn tuyến Quốc lộ 24 đi Kon Rẫy, Kon Plông hay các huyện khác cũng chủ yếu là đường đất nên việc đi lại rất khó khăn, việc trao đổi buôn bán hàng hoá vì thế cũng hạn chế...

Giờ đây, từ thành phố Kon Tum đến trung tâm huyện Đăk Glei chỉ mất chưa đến 2 giờ (trước đây phải mất cả ngày) và từ huyện đến trung tâm xã Ngọc Linh cũng chỉ thêm khoảng hơn 1 giờ đi xe ô tô là đến nơi.

Trước đây, muốn đến Ngọc Tem (huyện Kon Plông) phải mất cả ngày đường đi bộ băng rừng, vượt núi nhưng giờ đây chỉ khoảng 2 giờ ô tô chạy từ trung tâm thành phố là có thể đến được Ngọc Tem trên con đường Trường Sơn Đông hùng vĩ.

Hoặc, giờ đây, từ đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, chúng ta có thể đi xuyên từ huyện Tu Mơ Rông sang xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong... của huyện Đăk Glei một cách dễ dàng.

Đơn cử như Quốc lộ 24 có điểm đầu tại ngã ba Thạch Trụ (tỉnh Quảng Ngãi) điểm cuối tại thành phố Kon Tum với tổng chiều dài hơn 168km; trong đó đoạn qua tỉnh Kon Tum có chiều dài hơn 99km, có điểm đầu tại km69 thuộc địa phận xã Pờ Ê, huyện Kon Plông và điểm cuối tại km168+200 thành phố Kon Tum, giao với đường Hồ Chí Minh, đến nay, tuyến đường này đã có 44km đi qua tỉnh được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các xã nằm dọc theo tuyến quốc lộ, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi và thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Kon Rẫy và Kon Plông ngày một phát triển.

Ông Bùi Văn Thanh - xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) cho biết: Tôi sống ở đây 30 năm, trước kia đường rất khó khăn, nay được Nhà nước đầu tư xây dựng đi lại rất thuận tiện, hàng hóa làm ra cũng được mua bán thuận lợi hơn, đời sống người dân cũng nâng lên…

“Từ khi tuyến Quốc lộ 24 được xây dựng, người dân chúng tôi rất mừng, hàng hóa vận chuyển thuận lợi hơn, giá cước vận chuyển hàng hóa cũng giảm nhiều. Trước đây, khi đường chưa làm, khổ nhất là khi ốm đau phải đi bệnh viện thì việc đi lại rất khó khăn, nhưng nay thuận lợi nhiều, người bệnh được đi cấp cứu nhanh” - ông Nông Văn Hiền- xã Đăk Ruồng  chia sẻ:

Ông Vũ Văn Thuần - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Những tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư mở rộng đã có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối các tuyến quốc lộ với huyện lộ, giữa các huyện với nhau và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước, tạo tiền đề để tỉnh Kon Tum phát triển kinh tế... Giao thông được quan tâm đầu tư nên hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh có sự phát triển khá mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 78 tuyến vận tải hành khách cố định, trong đó có 68 tuyến liên tỉnh, 5 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào. Doanh thu vận tải, kho bãi năm 2018 của tỉnh đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2017, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Cũng theo ông Vũ Văn Thuần, trên cơ sở quy hoạch, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các nguồn vốn, triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các công trình giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công 2 dự án trọng điểm, đó là dự án nâng cao độ và mở rộng tuyến tránh thuỷ điện Plei Krông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh-Kon Tum, dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum; thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các đoạn còn lại Quốc lộ 24 từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, sửa chữa Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, tuyến đường nội thị và các tuyến giao thông nông thôn để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, đảm bảo mục tiêu của nông thôn mới và tạo sự liên kết, liên thông đồng bộ của hệ thống giao thông trong tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác