Họa sĩ Phùng Sơn với đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian

15/02/2021 13:13

Trót yêu vùng đất cao nguyên đầy nắng gió và đời sống văn hóa nơi đại ngàn, họa sĩ Phùng Sơn đã chọn việc nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc tại chỗ để theo đuổi, như là “trả nợ” vùng đất đã cưu mang mình.

Từ cơ duyên...

Họa sĩ Phùng Sơn (sinh năm 1961) sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế vào năm 1983, ông về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Đam San (tỉnh Gia Lai- Kon Tum cũ) vào năm 1984 với vai trò là họa sĩ thiết kế. Vào năm 1991, tỉnh Kon Tum tái lập, ông được phân công về công tác tại Nhà văn hóa Thanh thiếu niên Kon Tum.

Ngay từ những ngày đầu đến với mảnh đất Gia Lai - Kon Tum trước đây và sau này là tỉnh Kon Tum, sự đa dạng về văn hóa dân gian đã cuốn hút họa sĩ Phùng Sơn. Từ đó, bên cạnh sở trường hội họa, ông có thêm niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên.

Nhớ lại quãng thời gian rời cố đô Huế, tình nguyện về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Đam San, họa sĩ Phùng Sơn bộc bạch: Mảnh đất Tây Nguyên đã cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào và đáng nhớ - nơi mà từng bước đi sâu vào công việc nghiên cứu văn hóa dân gian và trở thành nhà nghiên cứu folklore (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian/văn học dân gian). Ở đó tôi được thả sức đi sâu vào công tác sưu tầm, nghiên cứu, khám phá “bức tranh” đời sống tinh thần đầy sinh động của các dân tộc tại chỗ vùng Bắc Tây Nguyên với những vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, cùng những phong tục, tập quán truyền thống của con người nơi đây.

Bên cạnh sở trường hội họa, hoạ sĩ Phùng Sơn có thêm niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Ảnh: HT

 

Họa sĩ Phùng Sơn nhớ lại, có một lần ông được Sở Văn hóa tỉnh Gia Lai - Kon Tum cử tháp tùng Đoàn nghiên cứu của Viện Văn hoá dân gian do giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh làm Trưởng đoàn đi công tác tại huyện Đăk Glei với nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu về các mảng như văn học, âm nhạc, múa... Họa sĩ Phùng Sơn được phân công làm mảng mỹ thuật dân gian, đó cũng là cái duyên đưa ông đến với nghề nghiên cứu và sưu tầm sau này.

Trong chuyến đi này, giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh đã tin tưởng giao cho họa sĩ Phùng Sơn việc sưu tầm và ghi chép văn hóa truyền thống của các dân tộc, như nghệ thuật tạo hình, trang trí, vật dụng sinh hoạt, trang phục, kiến trúc...

Không phụ lòng tin cậy của giáo sư Tô Ngọc Thanh, họa sĩ Phùng Sơn đã hoàn thành tốt những yêu cầu đề ra, được ông đánh giá cao.      

Hoạ sĩ Phùng Sơn luôn trăn trở trong công tác nghiên cứu và sưu tầm văn hoá dân gian tại Kon Tum. Ảnh: HT

 

Vào một buổi chiều nắng đẹp, họa sĩ Phùng Sơn đang ngồi vẽ bên cạnh nhà rông của đồng bào Giẻ- Triêng, giáo sư Tô Ngọc Thanh đến bên khẽ bảo: “Cậu có mê công việc này không?”. Được dịp, họa sĩ Phùng Sơn tâm sự: “Cháu được nhận vào làm thiết kế mỹ thuật cho một đoàn văn công của địa phương mà vốn liếng Tây Nguyên chưa có. Công việc này sẽ giúp cháu sau này rất nhiều nên cháu rất thích”. Giáo sư Tô Ngọc Thanh động viên: “Không chỉ thế. Nếu tiếp tục công việc này cậu sẽ trở thành một nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian, một nhà nghiên cứu folklore đúng nghĩa”.

... đến đam mê

Họa sĩ Phùng Sơn cho biết, nghiên cứu văn hóa dân gian là công việc quan trọng và còn nhiều tiềm năng khai thác ở vùng Bắc Tây Nguyên nhưng ít người bỏ công sưu tầm, nghiên cứu. Bởi, đây là công việc gian khổ, tốn nhiều công sức, trong khi đó, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông đi lại còn trắc trở.

Qua những ngày lặn lội theo Đoàn công tác của Viện Văn hóa dân gian làm công việc sưu tầm, họa sĩ Phùng Sơn dần say mê với vẻ đẹp của đất và người nơi đây. Từ những buôn làng, rừng cây, người dân bản địa cho đến những đồng nghiệp cùng chí hướng, tất cả đã cho anh nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp trong cuộc đời.

Điều may mắn trong cuộc đời là khi còn rất trẻ, ông được gặp gỡ, tâm sự và được giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh động viên, “thắp lên ngọn lửa” đam mê nghiên cứu mỹ thuật dân gian. Đó là cơ duyên họa sĩ Phùng Sơn đến với công việc nghiên cứu folklore để rồi “bị thôi miên” bởi sự phong phú, đa sắc màu của bản sắc văn hóa dân gian vùng Bắc Tây Nguyên, tạo nên niềm đam mê tìm hiểu và cống hiến, góp phần vào công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, giàu bản sắc.

Trong quá trình dấn thân và trải nghiệm của mình, họa sĩ Phùng Sơn đúc kết nhiều bài học giá trị và cả những kỷ niệm đáng nhớ, trong đó đáng nhớ nhất là chuyến đi về với đồng bào Giẻ - Triêng cùng giáo sư Tô Ngọc Thanh. Ở chuyến đi này, ông nhận được bài học về sự hòa nhập với cộng đồng, chấp nhận những thói quen sinh hoạt ăn uống của dân làng, mà sinh viên mới ra trường còn lạ lẫm. 

Họa sĩ Phùng Sơn (trái) cùng Nghệ nhân A Jar chép tranh sưu tầm văn hóa bên góc nhà sàn. Ảnh: HT

 

Giáo sư Tô Ngọc Thanh nhắc nhở mọi người rằng: “Chúng ta đang làm công việc giữ gìn cho đời sau những giá trị văn hóa của con người nơi đây. Chúng ta muốn tìm hiểu văn hóa của đồng bào, trước hết chúng ta phải hòa nhập với họ, sống với họ. Lúc trước mới làm công tác này ở vùng núi phía Bắc, mình cũng như các bạn thôi. Nhưng dần dần sẽ quen”.

Gần 40 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, họa sĩ Phùng Sơn miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và cho ra đời rất nhiều tác phẩm về văn hóa của các DTTS. Các tác phẩm của ông đã góp phần vào kho tàng công trình nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên nói chung và vùng đất Kon Tum nói riêng.

Bảo vệ thành công đề tài “Mỹ thuật dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum” vào năm 1994, ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tôn vinh là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của năm, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích sưu tầm văn hóa dân tộc vào năm 1996. Ông cũng đã xuất bản nhiều cuốn sách như “Truyền thuyết truyện cổ các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum” được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chọn xuất bản năm 2012; cuốn “Trò chơi dân tộc Xê Đăng” được xuất bản vào năm 2018 đồng sưu tầm và biên soạn cùng với nghệ nhân A Jar...

Hiện tại ông đang ấp ủ đề tài chuyển tải các nội dung sử thi, truyền thuyết của đồng bào các dân tộc tại chỗ thành những cuốn truyện tranh để dễ dàng mang đến phục vụ cho các tầng lớp, nhất là thanh thiếu nhi các DTTS, giúp cho thanh thiếu nhi dễ dàng tiếp thu; từ đó, góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống đồng bào DTTS tại chỗ. Đồng thời, họa sĩ lên kế hoạch sẽ cùng các đồng nghiệp tìm hiểu các mảng phong tục tập quán văn học và âm nhạc dân gian, tập trung vào một số dân tộc ít người như Bờ Râu, Rơ Mâm... trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Họa sĩ Phùng Sơn chia sẻ: “Công việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian cần phải chạy đua với thời gian, nếu không vốn quý này sẽ bị mai một đi. Là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Kon Tum, tôi thấy bản thân mình có trách nhiệm cùng với những thành viên trong chi hội sưu tầm, nghiên cứu để lưu giữ vốn quý văn hóa dân gian của đồng bào DTTS tại chỗ trước khi quá muộn”.     

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác