18/10/2018 13:10
Trải qua 9 tháng thực hiện, bước đầu, dự án đã có những tác động tích cực đến hơn 1.200 trẻ em từ 0 – 8 tuổi, 360 ông bố, bà mẹ, 103 cán bộ y tế cùng 95 cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 9 câu lạc bộ cộng đồng về phát triển trẻ thơ toàn diện được hình thành và đi vào hoạt động. Ngoài ra, dự án còn bổ sung thêm 16 chỉ tiêu liên quan đến phát triển trẻ thơ toàn diện vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
Tháng 12/2017, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ dự án “Phát triển trẻ thơ toàn diện” tỉnh Kon Tum giai đoạn (2017 – 2021), cùng các đơn vị đồng hành: Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, triển khai tại 9 xã, thị trấn của 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và huyện Kon Rẫy.
|
Để thấy được hiệu quả thiết thực từ các mô hình và hoạt động của dự án, chúng tôi đã đến thăm nhà rông thôn 1, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) để tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện của xã.
Bên trong nhà rông, các bà mẹ cùng các em nhỏ ngồi theo vòng tròn, ai nấy đều chăm chú theo dõi cộng tác viên trình bày, xen kẽ các hoạt động trao đổi là tiếng vỗ tay cùng tiếng cười rộn rã. Đây là hoạt động “Tư vấn và tương tác cùng cha mẹ”, hoạt động này, cô giáo mầm non sẽ tư vấn các trò chơi, hướng dẫn cha mẹ kỹ năng trông và chơi với trẻ khi ở các lứa tuổi khác nhau.
Chị Chu Lệ Khuyên (thôn 1, xã Đăk Tờ Re) chia sẻ: Khi câu lạc bộ hình thành, tôi và các bà mẹ có con nhỏ rất hưởng ứng, 14 thành viên của câu lạc bộ đều sắp xếp công việc nhà để tham gia đầy đủ. Từ những buổi sinh hoạt, mọi người còn được học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ và nuôi dạy trẻ.
Bên kia sàn nhà rông là hoạt động tư vấn của các cán bộ Trạm Y tế xã Đăk Tờ Re về cách nấu bữa ăn bổ sung cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Từ nguồn thực phẩm có sẵn của địa phương, các y bác sĩ đã tư vấn cách chế biến thực phẩm đúng cách, chế độ ăn hợp lý, đa dạng hoá bữa ăn, cũng như cách bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn cho trẻ. Đặc biệt, các bà mẹ, người chăm nuôi trẻ… sau khi nghe tư vấn, còn được trực tiếp tham gia thực hành nấu các bữa ăn này.
Xã Đăk Tờ Re là xã nghèo của huyện Kon Rẫy, hầu hết bà con nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, việc chăm lo của cha mẹ đối với trẻ thơ còn nhiều hạn chế và thiếu thốn.
Bà Y Pẻh - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết: Khi Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện của xã được hình thành, bà con nhân dân rất vui và phấn khởi. Trong thời gian ngắn, thông qua nhiều mô hình, hoạt động của dự án, công tác chăm sóc, giáo dục cho trẻ nhỏ trên địa bàn xã đã được cải thiện, kỹ năng làm cha mẹ cũng được nâng cao.
Với 21 hoạt động thuộc 4 lĩnh vực (y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chính sách xã hội) triển khai tại 84 thôn của 9 xã, thị trấn, Dự án bước đầu đã gặt hái được một số kết quả tích cực như: Tổ chức được mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở với số lượng lên đến 348 người; đào tạo cho nhiều cán bộ y tế tuyến thôn về chăm sóc y tế (y tế, dinh dưỡng, nước sạch vệ sinh thuộc gói chăm sóc thiết yếu cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời); tham vấn, kết nối dịch vụ cho 557 trường hợp; đào tạo được 30 cán bộ về hệ thống bảo vệ trẻ em; hỗ trợ khẩn cấp 1.000.000 đồng/trẻ cho 10 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Hiệu quả bước đầu là vậy, tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai, dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, Phó Giám đốc Thường trực Ban quản lý dự án cho biết: Nguồn vốn của dự án còn thiếu, cũng như dự án chỉ tập trung vào việc ưu tiên nâng cao nhận thức và truyền thông, hoạt động tập huấn không phải trên diện rộng mà chỉ triển khai trên một vài địa bàn cụ thể. Đến cuối năm nay, Ban quản lý dự án sẽ tổng kết đánh giá lại 1 năm thực hiện, từ đó làm cơ sở để triển khai dự án trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Nhận thức của bà con nhân dân còn hạn chế, thói quen tập quán còn lạc hậu, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn; tài liệu phục vụ cho sinh hoạt đa phần là viết tiếng phổ thông, chưa có tài liệu theo tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nên khó khăn cho việc tiếp cận...
Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, tỷ lệ thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi còn chiếm tới 39,7%, 44,2% trẻ được ăn dặm đạt chuẩn tối thiểu, 1,8% trẻ dưới 5 tuổi được tẩy giun định kỳ, 48% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 30 – 50% trẻ khuyết tật chưa từng có cơ hội được phát hiện và can thiệp sớm, hệ thống bảo vệ trẻ em mới được triển khai 41/102 xã toàn tỉnh, tỷ lệ trẻ từ 0 - 3 tuổi đi nhà trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ đạt 2,4%… Hy vọng, Dự án “Phát triển trẻ thơ toàn diện” tỉnh giai đoạn 2017 – 2021 với nhiều hoạt động cụ thể sẽ góp phần tạo ra những thay đổi rất lớn trong việc chăm sóc trẻ em ở vùng khó.
Bài, ảnh: Đức Thành