Hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS

13/04/2024 13:39

Thay cho những khẩu hiệu mang tính hình thức, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) và Kế hoạch số 133 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 trở thành “chìa khóa” huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng hỗ trợ, giúp đỡ, tạo sinh kế bền vững, góp phần phát huy ý chí tự lực, tự cường, sự thay đổi của chính đồng bào DTTS.

1. Sau 3 năm triển khai Cuộc vận động,  trên địa bàn tỉnh đã triển khai được hàng trăm mô hình hỗ trợ cho đồng bào DTTS. Cụ thể như huyện Kon Rẫy xây dựng và nhân rộng được 108 mô hình hiệu quả với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, huyện Tu Mơ Rông xây dựng được 64 mô hình trên tất cả các lĩnh vực và đã góp phần giúp 1.613 hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Ngọc Hồi xây dựng được 117 mô hình (hiện còn 92 mô hình hiệu quả đang được duy trì) với tổng kinh phí thực hiện 1.526,69 triệu đồng, thành phố Kon Tum triển khai được 147 mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường…

Những  mô hình như: Nuôi hươu lấy nhung (xã Đăk Tơ Lung, Kon Rẫy), Trồng cỏ voi nuôi bò (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông), Trồng sâm Ngọc Linh gắn với quản lý bảo vệ rừng (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông), Chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng mía cao sản (xã Kroong, thành phố Kon Tum)…, chỉ riêng tên gọi đã cho thấy sự cụ thể, thiết thực, sự hỗ trợ, tác động trực tiếp đến việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình của đồng bào DTTS.

Cán bộ cơ sở tích cực tham dự các cuộc họp ở các thôn, làng. Ảnh: NP

 

Để vươn lên thoát nghèo, đồng bào DTTS phải trở thành chủ thể trong việc thay đổi nếp nghĩ (nhận thức) để đi đến thay đổi cách làm (hành động). Chính họ chứ không phải ai khác phải biết cách tự xây dựng đời sống căn cơ, bền vững (từ gốc, lâu dài), thay vì trông chờ, ỷ lại vào các sự hỗ trợ (phần ngọn, tức thời, trước mắt). Vì vậy mà các địa phương trong quá trình triển khai Cuộc vận động đều hướng đến tạo sinh kế  bền vững (xây dựng các mô hình theo hướng cụ thể, sát thực), khơi dậy được ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS.

Và thực tế sau 3 năm triển khai Cuộc vận động đã chứng minh, ở các thôn làng, các gia đình có sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm một cách tích cực, phát huy được hiệu quả các mô hình thì đều thoát được nghèo. Con số hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS thoát nghèo trong các năm qua, trong đó riêng năm 2023 là 6.258 hộ, chính là câu trả lời sinh động cho sự thay đổi trên hành trình vươn lên của đồng bào DTTS. 

2. Hỗ trợ và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 133-KH/TU, ngày 14/3/2024 phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, có 57 thôn (làng) còn nhiều khó khăn của 8 xã, thuộc 3 huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei được 58 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh phụ trách, giúp đỡ. Trong đó, huyện Kon Plông có 16 thôn của 3 xã Măng Bút, Đăk Nên và xã Hiếu; huyện Tu Mơ Rông có 19 thôn của 3 xã Đăk Tờ Kan, Đăk Na, Đăk Rơ Ông; huyện Đăk Glei có 22 thôn của 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh.

Kế hoạch số 133 nêu rõ, huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị để triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” nhằm giúp nhân dân tại các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu; nâng cao đời sống tinh thần và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, người dân xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) đã làm chuồng trại, trồng cỏ voi để nuôi nhốt gia súc. Ảnh: N.P

 

Để Kế hoạch số 133 được triển khai hiệu quả, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có công văn 1388-CV/BDVTU gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đề nghị khẩn trương triển khai các nội dung. Trong đó, phải khẩn trương tiếp cận địa bàn được phân công để khảo sát, gặp gỡ, trao đổi nắm thông tin, tình hình địa bàn ở thôn; phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền địa phương để xây dựng mô hình “Dân vận khéo”; đồng thời đăng ký xây dựng mô hình Dân vận khéo ngay trong tháng 4/2024 này.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đang khẩn trương khảo sát, nắm bắt tình hình, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện, nhu cầu. Mục tiêu mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đặt ra là góp phần xây dựng thôn làng đạt các tiêu chí nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.  

Từ Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đến Kế hoạch số 133 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ các thôn (làng) đều được triển khai theo hướng hỗ trợ, giúp đỡ đi cùng với việc tăng cường vai trò chủ động, tạo động lực, khát vọng vươn lên của chính hộ gia đình, của cộng đồng địa phương. Chính sự chung sức của cả hệ thống chính trị đã, đang và sẽ từng bước khơi dậy khát vọng vươn lên của chính những cộng đồng làng, của chính đồng bào DTTS để xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp hơn.    

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác