03/03/2020 06:13
“Đã hơn 1 năm rưỡi kể từ khi mình tham gia mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi heo lai lấy thịt”, nhờ đàn heo khỏe mạnh, phát triển tốt, nên mình đã có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện để cho con ăn học, chăm lo gia đình được tốt hơn. Thời gian tới, mình dự định sẽ mở rộng đàn heo, nâng thu nhập cho gia đình” - chị Y Sông, làng Đăk Ung, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) chia sẻ.
Chị Y Sông kể, trước đây, chị cũng muốn làm thêm một công việc gì đó để có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình, chứ không chỉ loanh quanh trồng mì, trồng lúa. Trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi, chị được Hội LHPN xã và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Nhoong vận động tham gia mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi heo lai lấy thịt”. Đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ vùng biên của Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động trong Chương trình “Đồng hành cũng phụ nữ biên cương”.
Tháng 8/2018, với việc ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi heo lai lấy thịt” tại xã Đăk Nhoong, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ vốn vay 252 triệu đồng cho 18 hộ gia đình hội viên phụ nữ xã theo hình thức cho vay không tính lãi. Vốn vay sẽ được trả theo phân kì, nhằm nâng cao trách nhiệm của các thành viên khi sử dụng. Tham gia mô hình, các hội viên phụ nữ rất chịu khó làm ăn, ai cũng cố gắng hết sức để nuôi đàn heo khỏe mạnh, cho ra năng suất cao để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Y Sông chia sẻ: Nhờ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, tôi được vay số tiền 14 triệu đồng mà không phải chịu lãi. Với khoản tiền này, tôi đã sử dụng 6 triệu đồng để mua 3 con heo và 8 triệu đồng còn lại để mua thức ăn chăn nuôi và sửa chữa lại chuồng trại. Thời gian đầu cũng rất khó khăn, bởi từ trước đến nay tôi chỉ biết trồng trọt, chứ chưa bao giờ chăn nuôi. May mắn, nhờ có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Nhoong hỗ trợ làm chuồng trại, thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đàn heo của tôi đã phát triển, xuất ra được lứa đầu tiên đạt chất lượng. Sau khi có được thu nhập, lại có thêm được kiến thức, kinh nghiệm, tôi quyết định tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi heo lai lấy thịt, tính đến hiện tại đã là lứa thứ 4.
|
Với chị Y Sông, mô hình nuôi heo lai lấy thịt vốn chỉ để thử nghiệm, kiếm thêm chút thu nhập thì nay đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ước tính 1 năm chị Y Sông thu được hơn 70 triệu đồng từ chăn nuôi heo.
Không chỉ đối với hộ gia đình chị Y Sông, mà các hộ hội viên phụ nữ khác trong tổ liên kết cũng đều có đàn heo ổn định và phát triển tốt. Để bước đầu có được hiệu quả tích cực như vậy, không thể không nhắc đến công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Nhoong và Hội LHPN xã đã tích cực hỗ trợ hết mình cho tổ liên kết để xây dựng mô hình kinh tế nuôi heo lai lấy thịt.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hội - cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đăk Nhoong cho biết: Phối hợp cùng với Hội LHPN xã, chúng tôi tích cực tuyên truyền, cung cấp kiến thức chăn nuôi cho các thành viên trong tổ liên kết nắm được, để lấy đó làm gốc xây dựng và phát triển mô hình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên đến với từng hộ gia đình để theo dõi, kiểm tra đàn heo. Nếu phát hiện những dấu hiệu của dịch bệnh, chúng tôi sẽ cùng hộ chăn nuôi đưa ra biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, sâu sát đến các hộ, khuyến cáo người dân về kiến thức phòng dịch. Thông qua công tác phun thuốc khử trùng thường xuyên và duy trì việc tiêm phòng định kỳ cho đàn heo nên không xảy ra dịch bệnh.
Để mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi heo lai lấy thịt” phát huy hiệu quả cao, tạo việc làm ổn định cho chị em phụ nữ làng Đăk Ung, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các thành viên trong tổ liên kết.
Chị Phạm Thị Mây - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei chia sẻ: Mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi heo lai lấy thịt” tại xã Đăk Nhoong nhằm mục đích giúp chị em phụ nữ thấy được những lợi ích khi tham gia mô hình kinh tế tập thể, cũng như trách nhiệm của mình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương hội. Với tổng đàn heo ban đầu là 90 con, sau nhiều lần xuất bán, hiện tại các thành viên trong tổ liên kết đang tiếp tục đầu tư tái đàn với 53 con heo thịt và 4 heo nái gây giống để nhân rộng mô hình. Thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục bám sát, có phương án hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình khó khăn trong tổ liên kết, để bảo đảm việc chăn nuôi heo được duy trì thường xuyên và đem lại hiệu quả cao nhất từ mô hình.
Tất Thành