Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg: Cần sự chung tay của toàn xã hội

06/08/2018 07:08

Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm huy động nhiều nguồn lực giúp hộ nghèo có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Chúng tôi về xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), địa phương được đánh giá hoàn thành sớm công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo với 253 hộ nghèo trên địa bàn có nhà ở ổn định, đạt 100%.

Ông Đặng Tuấn Tịnh - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, để cán đích nông thôn mới trong năm nay, địa phương phải hoàn thành tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư. Trên địa bàn xã qua rà soát thực hiện nhà ở theo Quyết định số 33 vẫn còn 5 hộ nghèo thuộc diện neo đơn, mất sức lao động có nhà bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều lần làm việc, họ cho biết kinh tế gia đình rất khó khăn, khả năng chi trả khi vay vốn chính sách để làm nhà ở mới không khả thi. Từ khó khăn này, lãnh đạo xã đã thông qua các đơn vị đứng chân trên địa bàn tham gia kết nối, vận động doanh nghiệp ở tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí xây mới 5 căn nhà cho các hộ nói trên.

Đến thăm nhà mới của bà Y Rế ở thôn 2, đón khách là ông A Bắc - con trai của bà Y Rế. Anh Bắc vui vẻ cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, anh đã thu xếp, đưa mẹ về ở căn nhà mới do Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum hỗ trợ xây dựng.

Căn nhà của bà Y Rế được các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng

 

“Mẹ tôi năm nay 80 tuổi rồi. Bố mất sớm từ lúc tôi lên 7 tuổi. Gia đình chỉ có 3 sào rẫy. Mẹ phải đi làm thuê kiếm sống thêm, nhưng không may bị tai nạn, không còn sức lao động. Từ năm 2012 đến nay, tôi lập gia đình và ở chung với mẹ, nhưng kinh tế vẫn thuộc diện nghèo, vì phần lớn tiền làm được đã nuôi 2 con ăn học và chăm sóc mẹ đau ốm thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị. Hơn nữa, tôi đã vay vốn làm kinh tế gia đình, do đó trưởng thôn nói, tôi không được vay thêm ngân hàng chính sách để làm nhà ở, dù có tên trong danh sách phê duyệt của các cấp…” - anh Bắc kể.

Ông Tịnh cho biết thêm, sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tháng 5/2018, địa phương đã mời các hộ nghèo không có khả năng làm nhà để bàn bạc, kêu gọi bà con trong thôn giúp thêm ngày công. Đến nay, mỗi căn nhà được hỗ trợ xây mới đã hoàn thành đưa vào sử dụng, gồm 50 triệu đồng doanh nghiệp hỗ trợ, cộng thêm công đóng góp của người thân, nâng giá trị căn nhà lên gần 60-75 triệu đồng. Theo ông Tịnh, nhà mới của bà con được xây dựng đảm bảo, có diện tích tối thiểu 24m2.

Tháng 3/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 256 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các đơn vị có liên quan chỉ đạo rà soát, hướng dẫn thực hiện chính sách trên. Trong đó, ưu tiên vận động, hỗ trợ các nguồn lực giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật); hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và hộ đang sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn…

Căn cứ vào đối tượng và điều kiện hưởng lợi trên, toàn tỉnh có 3.089 hộ nghèo có đơn tự nguyện đăng ký làm nhà theo Quyết định 33. Năm 2016 đến nay, từ nhiều nguồn vốn huy động được, có 606 hộ nghèo đã được sửa chữa, làm nhà ở mới (đạt 19,6% đề án phê duyệt), với tổng nguồn vốn huy động hơn 35 tỷ đồng. Cụ thể, người nghèo đã tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở 28,5 tỷ đồng; nguồn vốn huy động khác từ Quỹ vì người nghèo, doanh nghiệp và địa phương, gia đình, cộng đồng hỗ trợ cho hộ nghèo khoảng 6,64 tỷ đồng.

Sự hỗ trợ trên đã góp phần cải thiện, giảm số hộ nghèo còn ở nhà dột nát, tạm bợ và xuống cấp ở thôn, làng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hạn chế trong công tác này như, gia đình được hỗ trợ đa số là hộ nghèo DTTS không có nguồn tài chính, nên khả năng tham gia đóng góp thêm để xây dựng nhà ở chưa nhiều.  

Mặt khác, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức, dẫn đến kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra. Công tác kiểm tra đôn đốc ở cơ sở chưa được thường xuyên, chế độ báo cáo chưa kịp thời đã ảnh hưởng chung đến công tác chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp giữa các cơ quan liên quan cấp huyện chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy tối đa được sự tham gia đóng góp của cộng đồng, dòng họ, doanh nghiệp và lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho người dân chưa thường xuyên, liên tục.

Điều đáng nói hơn nữa, nguồn hỗ trợ vay vốn làm nhà ở cho các hộ nghèo còn chưa đáp ứng nhu cầu. Theo quy định của Quyết định 33, mỗi hộ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ để làm nhà. Thế nhưng, hiện nay, giá nhân công và vật liệu tăng cao, đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện theo đề án phê duyệt.

Với những vấn đề còn hạn chế trên, các ngành chức năng đã và đang phối hợp có văn bản kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc tham mưu tỉnh triển khai thực hiện tốt hơn việc đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo tiêu chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2011-2015, theo phương án đã phê duyệt.

Bài, ảnh: Mai Trâm

Chuyên mục khác