Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên

10/11/2022 06:03

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi đã lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ, chăm lo cho người khuyết tật (NKT). Đồng thời, chú trọng tuyên truyền về những tấm gương khắc phục hoàn cảnh vượt khó của NKT nhằm tạo động lực cho NKT vươn lên trong cuộc sống.

Bà Trần Thị Huyện- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hồi cho biết: Thời gian qua, chúng tôi tăng cường phối hợp, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ NKT trên địa bàn. Các chính sách được bố trí luân phiên, gối đầu nhau theo năm, giai đoạn một cách hợp lý đã phát huy hiệu quả các nguồn lực tốt nhất. Mặt khác, nhờ sự tuyên truyền, vận động sâu rộng, bền bỉ trên nhiều mặt đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng, gia đình và xã hội đối với việc chăm lo cho NKT; tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho NKT vươn lên trong cuộc sống.

Chúng tôi có dịp đến thăm anh Vũ Quốc Long (44 tuổi) tại thôn Ngọc Tiền (xã Đăk Xú). Anh Long là NKT bị mù 2 mắt nhưng bằng nghị lực của mình đã trở thành tấm gương, “niềm cảm hứng” cho những NKT khác.

Anh Long kể: “Hai vợ chồng tôi quê ở Hà Tây, vào đây lập nghiệp từ năm 2003. Ban đầu mình làm nghề mộc, cùng vợ khai hoang rẫy để trồng trọt kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Mọi thứ đang êm đềm thì vào năm 2013, căn bệnh quái ác ập đến làm tôi không còn nhìn thấy nữa. Tôi suy sụp một thời gian khá dài, nhưng nhờ có gia đình, mọi người động viên, tôi dần tìm lại chính mình, thích nghi với cuộc sống mới”.

Anh Vũ Quốc Long và trang trại gà của gia đình. Ảnh: H.T

 

Đưa chúng tôi tham quan trang trại gà của gia đình, anh Long dùng đôi tay của mình thay cho đôi mắt để dò đường đi mà không cần sự hỗ trợ của ai. Chúng tôi khâm phục hơn khi được biết rằng chính anh là người lên ý tưởng và thiết kế để thợ làm chuồng trại, phân chia khu chăn nuôi một cách hợp lý.

Chị Hoàng Thị Trang- vợ anh Vũ Quốc Long kể rằng: “Sau khi anh Long bị bệnh, năm 2014, gia đình chúng tôi được nhận các hỗ trợ theo chính sách của hộ nghèo, người khuyết tật. Sự hỗ trợ ấy có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi, khích lệ giúp vợ chồng tôi cố gắng vươn lên. Chuyển sang nuôi gà, dù thất bại nhiều lần nhưng vợ chồng tôi không nản và cuối cùng đã thành công; duy trì đàn gà từ 3.000-5.000 con/năm, cho thu nhập ổn định. Năm 2019, khi cảm thấy đã bớt khó khăn hơn, chúng tôi tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo”.

Bà Trần Thị Huyện cho biết: “Đối với NKT, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất thì việc kịp thời hỗ trợ về tinh thần là rất cần thiết. Chúng tôi tăng cường các chuyến đi thực tế tại cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NKT; tích cực tìm kiếm, phát hiện các điển hình tiên tiến để biểu dương nhân rộng; rà soát, phân loại khuyết tật để có hướng hỗ trợ kịp thời về các chính sách như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, văn hóa”.

Huyện Ngọc Hồi hiện có gần 740 NKT, trong đó có 616 NKT được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; 100% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế; các chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp; hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, sẹo bỏng, co rút, u vùng mặt; hỗ trợ xe lăn, xe lắc, làm chân giả, nạng, nẹp, nhà ở cho NKT.

Hiện nay, huyện Ngọc Hồi đang phối hợp triển khai Dự án Hòa nhập II “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT bị phun rải nặng chất da cam” trên địa bàn với mục đích mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ trực tiếp và hòa nhập xã hội, nâng cao chất lượng sống của NKT. Dự án có giai đoạn từ 2021- 2025, hiện đang triển khai giai đoạn đầu, tập trung vào tuyên truyền các nội dung về các chính sách, dịch vụ hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe, chất lượng sống; các hoạt động đào tạo nghề, nắm bắt nhu cầu nghề nghiệp của NKT trên địa bàn.

Theo bà Trần Thị Huyện, dự án Hòa nhập II được triển khai tại 3 địa phương là xã Đăk Kan, Đăk Ang và thị trấn Plei Kần với hơn 200 đối tượng là NKT tham gia. Huyện thành lập nhóm truyền thông gồm 15 người để phối hợp hoạt động; đồng thời phát huy vai trò của cán bộ chuyên trách tại cơ sở để chuyển tải tốt nhất các nội dung, chương trình của Dự án trước khi chuyển qua giai đoạn II.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm lo cho NKT trên địa bàn huyện Ngọc Hồi cũng gặp không ít khó khăn như: Phần lớn NKT là người cao tuổi, trẻ em, có trình độ thấp, thuộc hộ gia đình khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định nên việc tuyên truyền chính sách, tư vấn việc làm, đào tạo nghề gặp không ít khó khăn; cơ sở hạ tầng của địa phương, đặc biệt là giao thông chưa phù hợp, khiến cho việc đi lại, tham gia giao thông của NKT gặp khó khăn; các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên những người khuyết tật nhẹ khó tìm kiếm việc làm phù hợp tại địa phương.    

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác