22/12/2019 17:15
1.Có những mệnh lệnh đến từ trái tim. Dặm dài những cuộc đi, bất cứ khi nào có lệnh, họ lại lên đường. Ấy là những chiến sĩ Đội K53.
Tôi sẽ không quên ánh mắt của Thượng tá Nguyễn Công Khoa - Đội trưởng Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tại lễ xuất quân lên đường làm nhiệm vụ được tổ chức ngày 11/11/2019.
Vâng, ánh mắt ấy như có thép, lại chất chứa bao hy vọng vào một chuyến đi thành công, có thể tìm kiếm và quy tập được càng nhiều hài cốt liệt sĩ càng tốt.
Được thành lập đúng vào ngày 27/7/2000, tiền thân là Đội quy tập mộ liệt sĩ của tỉnh, với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đội K53, phần lớn trong số hơn 6.900 ngày đã qua là làm bạn với núi rừng. Tháng 11 năm trước xuất quân, tháng 5 năm sau trở về, đều đặn như thế mỗi năm, dấu chân họ đã lặng lẽ in khắp vùng rừng núi 3 tỉnh Nam Lào (Attapư, Sê Kông, Chămpasăk) và tỉnh Rattanakiri (Campuchia) để tìm kiếm, cất bốc quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Danh sách hài cốt liệt sĩ mà Đội tìm thấy, quy tập; những kỷ niệm vui buồn cứ dài theo năm tháng. Những cái tên như đèo Âmpun, dốc Cổng trời, làng Mui, làng Két, làng Chong... ở nước bạn không còn xa lạ.
Buồn nhất là những ngày dài đào xới mà không tìm thấy hài cốt liệt sĩ đâu. Lúc ấy ai cũng thấy bứt rứt, ăn không ngon, ngủ không yên, thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc, thế là lại đào, lại xới, dù cực khổ mấy cũng làm, phải “gặp” cho được các chú, các anh...
|
Niềm vui lớn nhất của toàn đội là khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Giữa rừng thiêng nước độc, trong phút giây linh thiêng nâng niu di vật của các liệt sĩ, nước mắt mừng vui cứ chảy dài trên những khuôn mặt cháy nắng.
Những hài cốt mà Đội K53 tìm kiếm, cất bốc được đều đổi bằng những ngày đêm luồn rừng vượt núi với muôn vàn khó khăn, gian khổ; bằng không ít trận sốt rét rừng. Nhưng các anh đã vượt qua tất cả bằng niềm tin rằng mình đang thực hiện một sứ mạng thiêng liêng. Cũng vì niềm tin ấy mà dù gian khổ là thế, trong “lịch sử” của Đội, chưa có một ai nao núng, lung lạc, rời bỏ công việc của mình.
Thậm chí có anh em từng bị thương nặng vì trên đường đi gặp mưa lớn, dốc trơn, xe ô tô mất thắng, lật nhào xuống đèo, nhưng vừa điều trị lành vết thương đã nằng nặc xin trở về Đội để nhận nhiệm vụ. Với anh em, những chuyến đi là một phần cuộc sống của mình, một mệnh lệnh từ trái tim. Thượng tá Khoa chậm rãi nói, đôi mắt vẫn ánh lên màu thép.
2.Vẫn là chuyện của lính, nhưng là câu chuyện về một cựu chiến binh đã từng kinh qua bão đạn mưa bom. Và hôm nay giữa đời thường vẫn sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Do ông mới chuyển từ ngoài Bắc vào chưa lâu nên tôi biết về ông không nhiều, chỉ nghe hàng xóm nói lại, ông là một cán bộ quân đội “to”, lại là lính đặc công hẳn hoi; cầm quân xông pha trận mạc, bị thương 2 lần; từng đánh vào tận Sài Gòn năm 1975… Ông nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn ở ngoài quê, giờ tuổi cao, cô con gái lo ông ở một mình, già cả không ai chăm sóc, nên năn nỉ mãi, cuối cùng ông mới đồng ý theo con.
Cũng xin nói thêm rằng, cô con gái của ông ở cùng xóm với tôi, nhưng nhà ở cuối con hẻm, sau nhà là mênh mông đất trống.
Cho đến một ngày, đi làm về muộn, tôi bất ngờ khi thấy ông cùng mấy cậu thanh niên đang xoay trần hì hục san san, lấp lấp. Thì ra, ông thấy con đường đất bị mưa xói lở, đầy những rãnh, những ổ gà lớn nhỏ, nên ông dậy sớm, tranh thủ xúc đất đá lấp ổ gà, Mấy cậu thanh niên thấy vậy cũng hò nhau xúm vào làm, tiện thể phát quang cỏ dại hai bên đường, khơi thông rãnh nước, chỉ non ngày là con đường sạch sẽ, tinh tươm hẳn ra.
Trong xóm, nhà ai có việc gì khó khăn, ốm đau, ông đều thăm hỏi và hết lòng giúp đỡ. Đầu năm học, ông còn trích lương hưu của mình mua sách vở, bút mực, quần áo tặng cho những cháu học sinh vượt khó học giỏi.
Trong xóm có một thanh niên nghiện rượu, có tiếng “coi trời bằng vung”. Ấy vậy mà ông Tư “trị” được một cách chóng vánh mới tài. Nghe kể là một hôm cậu ta uống rượu say về đập phá đồ đạc, đánh chửi vợ con. Ông sang can ngăn thì cậu ta hung hăng quát: ông là gì mà can thiệp vào chuyện nhà tôi. Ông túm lấy tay bóp mạnh và thủng thẳng: Ông là Cựu chiến binh. Bằng tuổi cháu, thế hệ các ông đã phải vượt qua bom đạn chiến đấu, hy sinh để ta có ngày hôm nay. Cháu thật đáng xấu hổ!
Không biết vì sợ đôi tay mạnh mẽ của người lính đặc công già đã kinh qua chiến tranh hay sợ ánh mắt của ông mà hắn cúi gằm xuống. Từ đó những cuộc quậy phá giảm dần, còn cai được rượu.
Nhưng “khoái” ông nhất vẫn là đám nhỏ trong xóm. Cứ thứ 7, chủ nhật là cả bọn lẽo đẽo theo ông hóng chuyện chiến đấu. Ngắm những huân, huy chương treo đặc trên tường, có đứa tò mò: Chắc ông làm “to” lắm nhỉ? Ông cười: ông chỉ là Cựu chiến binh thôi!
3.Dù đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng hình ảnh cậu lính trẻ của Đại đội 186 (Ban chỉ huy quân sự huyện Ia H’Drai) vừa cong lưng vác tấm ván vừa lau vội nước mắt trên gương mặt bầu bĩnh lấm lem bùn đất vẫn đọng trong tâm trí tôi.
Ấy là đêm 8/8/2018. Điện thoại đổ chuông, phía bên kia, giọng Chủ tịch UBND xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) Ngụy Đình Phúc thảng thốt: Lũ về ông ơi. Bất ngờ quá nên gây thiệt hại nặng nề. May mà chưa có thiệt hại về người.
4 giờ sáng hôm sau, chúng tôi tức tốc lên đường đến vùng lũ.
Nhưng khi chúng tôi tới nơi, giữa bùn lầy và mưa gió, màu xanh áo lính đã hiện hữu. Theo thông tin chúng tôi có được, ngay sau khi xảy ra lũ lớn, cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ia H’Drai cùng bộ đội Biên phòng, Công an huyện và lực lượng dân quân, tự vệ xã đã có mặt ở các “điểm nóng”.
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Nhàng đón chúng tôi với giọng nói khê đặc của người cả đêm không ngủ: Đêm qua (8/8), lũ lớn bất ngờ quét qua địa bàn các xã Ia Đal, Ia Tơi, nhấn chìm nhiều ngôi nhà, cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu. Vốn là huyện biên giới, có địa hình cao và dốc nên người dân rất bất ngờ và lúng túng khi bị lũ lụt hay ngập úng.
Dưới mưa tầm tã, cán bộ, chiến sĩ đào từng cây cột nhà, mò tìm từng tấm ván, từng cái nồi di chuyển lên vùng an toàn. Những đôi giày rọ ngập trong bùn. Nhiều chiến sĩ trẻ còn không quàng áo mưa, vì mồ hôi đã ướt đầm lưng. Cậu lính trẻ của Đại đội 186 (Ban chỉ huy quân sự huyện Ia H’Drai) vừa vác tấm ván vừa quệt vội nước mắt trên gương mặt bầu bĩnh lấm lem bùn đất. “Thương bà con quá anh ạ”. Giọng cậu run run.
Miệt mài chạy đua với mưa gió, với ngổn ngang, bừa bộn, suốt mấy ngày sau đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quên ăn quên ngủ giúp nhân dân san từng nền nhà, vác từng cây gỗ dựng lại nhà cửa; tìm kiếm tài sản bị cuốn trôi; dọn dẹp trường học; khám bệnh, phát thuốc… Giữa hoang tàn sau lũ dữ, màu xanh áo lính đem lại hy vọng và niềm tin vào cuộc sống cho người dân.
Còn hình ảnh nào đẹp hơn khi chị phụ nữ thôn Chư Hem nắm chặt đôi tay lấm lem bùn đất của cậu lính trẻ và rưng rưng nói: “Nếu không có các em về giúp, biết bao giờ gia đình chị mới dựng lại được nhà mới để ổn định cuộc sống đây”.
Lớp cha trước, là những người truyền lửa, để neo giữ niềm tin và lòng trung với nước, với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Lớp con sau, là những chiến sĩ trẻ, vẫn sống như cha anh đã sống, vẫn giữ trọn niềm tin yêu trong lòng dân, xứng đáng với tên gọi đầy tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hồng Lam