03/02/2018 07:17
Chú tiểu ở chùa Trung Khánh
Tôi gặp được chú tiểu ở chùa Trung Khánh từng tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 như là duyên kỳ ngộ. Chú tiểu ấy chính là ông Dương Thanh Tương (còn gọi là Dương Hữu Trợ, sinh năm 1949) – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Lăk, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk.
Hôm ấy, ông từ Đăk Lăk về Kon Tum - vùng đất đã vào sinh ra tử, thăm lại chùa Trung Khánh, thăm Hòa thượng Thích Quảng Xả - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, trụ trì chùa Huệ Chiếu – người kế nhiệm Thượng tọa Thích Giác Minh đã nuôi giấu ông hoạt động cách mạng trong chiến dịch Mậu Thân 50 năm trước.
|
Ông kể rằng, đầu năm 1966, ông được điều động từ Quảng Ngãi lên Kon Tum công tác. Sau một thời gian công tác Bệnh xá H30, ông được điều về Văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum (đóng ở H80) làm công tác cần vụ cho Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Tiềm.
Cuối năm 1967, Tỉnh ủy Kon Tum họp nhận định đánh giá tình hình chuẩn bị khẩn trương cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Trong một số vấn đề đặt ra lúc đó có chủ trương lựa chọn và phân công một số cán bộ cốt cán, cán bộ trẻ vào xây dựng “căn cứ lõm” trong nội thị Kon Tum. Trong số cán bộ được Văn phòng Tỉnh ủy tuyển chọn khi đó có ông.
“Chuẩn bị vào thị xã, chúng tôi về các cơ sở mật ở Trung Tín là khu vực vùng ven thị xã Kon Tum để tìm hiểu, làm quen với sinh hoạt vùng địch. Tôi được về nhà chú Nguyễn Đức Bá (Tám Bá). Chính chú Bá đã giúp tôi xóa bỏ các dấu vết của một cán bộ 2 năm ở căn cứ như: dấu dép cao su bốn quai hằn lên hai mu bàn chân, vết đầu đen dày đặc của ruồi vàng trên hai cổ chân, hai cổ tay” - ông kể.
Tháng 12/1967, với thẻ căn cước giả do cơ sở mình trong Ty Cảnh sát địch làm cho, ông được bố trí đi hợp pháp vào thị xã Kon Tum. Từ đây, ông được đưa về nhà cụ Bùi Vật – cơ sở cách mạng nội thị ở cuối đường Lê Thánh Tông (nay là đường Trần Hưng Đạo).
Sau gần 1 tuần ở trong căn hầm bí mật sau nhà, ông được cụ Bùi Vật đưa qua chùa Trung Khánh – cơ sở mật nội thị do Thượng tọa Thích Giác Minh trụ trì để sống hợp pháp, thực hiện nhiệm vụ được phân công.
“Tôi nhớ vào tối 14, nhà chùa tổ chức cúng rằm (tức là vào đêm 25/12/1967), gặp thầy Thích Giác Minh, cụ Bùi Vật nói “Thưa thầy, tôi có đứa cháu cha mẹ chết sớm không có việc làm, nay nhờ thầy nuôi dạy cháu và có duyên thầy cho cháu đi tu tại chùa”. Đêm đó, Thượng tọa Thích Giác Minh xuống tóc cho tôi, dặn dò một số quy định của nhà chùa, từ cách thức đi lại đến nói năng, sinh hoạt của một chúng điệu (chú tiểu)” - ông nhớ lại.
Ông đã sống và hoạt động hợp pháp tại chùa Trung Khánh gần 3 tháng. Hàng ngày, để che mắt địch, ông làm các công việc của một chú tiểu, kết hợp nắm bắt tình hình quân số, sự di chuyển của các đơn vị địch trên đường 14, vẽ sơ đồ vị trí, bố trí lực lượng của chúng để báo cáo về căn cứ.
Trưa 30/1/1968, cả thị xã Kon Tum nóng ran, xe của lính ngụy chạy tứ tung; còn lực lượng của ta đã ém quân xong, trong đó có một số vào chùa Trung Khánh leo lên tháp nước phía sau chùa nằm im trên đó. Thầy Thích Giác Minh cho xếp các bó truyền đơn kêu gọi binh lính ngụy đầu hàng và cờ giải phóng gọn lại trong góc nhà và bảo rằng nếu tình hình thuận lợi thì các con cùng đạo hữu đi rải truyền đơn, treo cờ ngoài phố, chợ.
Đúng giờ G, quân ta lót bên trong nổ súng đánh các mục tiêu Tòa Hành chính, Ty Cảnh sát, Tiểu khu Kon Tum, lực lượng bên ngoài chạy trên đường phố đánh vào cổng chính, tiếp sức cho quân ta nổ súng vào bên trong.
“Nhìn chung, lực lượng của ta tấn công kiên cường, chiếm giữ, chống trả, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại nhưng tình hình chung phát triển không thuận lợi. Quân ta bị phản kích thương vong đông, thông tin liên lạc bị đứt, cơ sở cách mạng của ta bị chúng lùng sục bắt bớ. Tôi và thầy Thích Giác Minh bị bắt lên Ty Cảnh sát ngụy. Thầy sau đó được thả về, còn tôi bị giam giữ lại tra tấn, đánh đập dã man. Không khai thác được từ tôi, chúng lập hồ sơ cùng với những người, cơ sở cách mạng cho là “hành động gây rối trật tự trị an”, đưa về nhà lao Nha Trang giam giữ, giao cho Tòa án vùng II chiến thuật tại Nha Trang xét xử. Chúng kết án tôi 2 năm tù giam và đến ngày 25/2/1970, hết hạn tù tôi được thả về” – ông kể.
Mắt như có sóng, ông bảo, ký ức không bao giờ quên về Xuân Mậu Thân 1968 là trong ác liệt, khói lửa chiến tranh, tinh thần chiến đấu, lòng quả cảm, đức hy sinh của bộ đội và người dân Kon Tum luôn ngời sáng. Đó là nhân tố đã làm nên một mùa Xuân lịch sử.
Cô chủ quán cà phê Cao Nguyên
Đã gặp bà Bùi Thị Tưởng (sinh năm 1944) – Phó Ban liên lạc tù chính trị tỉnh nhiều lần, lần nào cũng vậy vừa trò chuyện tôi vừa lặng lẽ ngắm nhìn bà, cố tìm ra một nét gì đấy thật riêng của một người phụ nữ từng 3 lần đi tù, 3 lần phải ra tòa trong kháng chiến chống Mỹ.
Bà đẹp, sắc sảo và cũng rất ấm áp hiền từ như bao người phụ nữ khác. Vậy mà khi ấy, cô giáo dạy tiểu học ở Trung Tín, bí danh Uyên Lý khi hoạt động cách mạng, cô chủ hàng quán cà phê Cao Nguyên đang ngồi trước mặt tôi đây đã trở thành cái gai trong mắt địch vì vận động bao nhiêu binh lính ngụy bỏ hàng ngũ; tuyên truyền, vận động phụ nữ và quần chúng trong vùng địch tham gia vận chuyển vũ khí; bí mật che giấu lực lượng; thu thập thông tin của địch; vận chuyển vũ khí… cho cách mạng.
“Trong chiến dịch Mậu Thân, được Đảng và tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ, vui mừng, tự hào bao nhiêu, tôi cũng lo âu, hồi hộp bấy nhiêu. Bởi nhiệm vụ được giao thật quan trọng và cũng không kém phần khó khăn, nguy hiểm. Hơn 1 tạ vũ khí, đạn dược từ căn cứ A25 với 15 chiến sĩ đặc công phải được đưa vào nội thị đảm bảo an toàn bí mật trước 5 ngày và phải hoàn tất nhiệm vụ trên trước 30 tết từ 1 đến 2 ngày nhằm chuẩn bị cho chiến trường” – bà Tưởng nhớ lại.
Vậy là trước Tết Mậu Thân 1968, bà phải thu gom của các tiểu thương ở chợ Kon Tum và mua hàng trăm bộ quân phục ngụy cho tiểu đội đặc công và 2 trung đội của Thị đội để cải trang thành lính ngụy công khai hành quân trên đường phố, tiếp cận mục tiêu, tiến công địch đêm Tết Mậu Thân và chuyển ra căn cứ A25 an toàn trước 10 ngày.
Ngày 27-28 tết, tiểu đội đặc công của tỉnh được bố trí ở trên gác xép của quán Cao Nguyên. (Nói thêm về quán Cao Nguyên: ra đời năm 1965, đến năm 1966 trở thành cơ sở cách mạng là một kiosque nhỏ, chỉ khoảng 16m2 nằm trên đường Lê Thánh Tông lúc đó, nay là nhà may Phong trên đường Trần Hưng Đạo. Bà Tưởng là chủ quán, em gái bà đóng vai học sinh và những chiến sĩ biệt động dưới vỏ bọc là người làm công cho quán). Và khi trên gác là các chiến sĩ cách mạng ẩn mình chờ thi hành nhiệm vụ thì ở dưới nhà, sĩ quan binh lính ngụy ra vào uống nước, chuyện trò. “Khôn ngoan, bình tĩnh, tỉnh táo là những yêu cầu đòi hỏi tôi phải có lúc đó. Vì nếu để lộ lọt thì hậu quả không thể nào lường hết được” – bà Tưởng nói.
Đến 22h tối giao thừa, bà cùng anh trai Bùi Văn Diêu, em trai Bùi Văn Châu và Nguyễn Minh (Hòa), một đoàn viên thanh niên được bà giác ngộ dùng xe chở các đồng chí đặc công đến các điểm và giờ G như chỉ thị của cấp trên đã chỉ đạo, đó là Tòa Hành chính tỉnh, Ty Cảnh sát, Khu sĩ quan biệt khu 24 ngụy.
Quán Cao Nguyên vẫn hoạt động bình thường những ngày giáp tết và trong tết. Để bảo vệ an toàn cho 15 đồng chí bộ đội đặc công chờ giờ G khai hỏa ở các điểm nội thị, bà và người thân của gia đình lo lương thực, chở các đồng chí đặc công đến các điểm đã định, canh gác bảo mật.
“Sau 2 ngày bị ta tấn công, bọn địch kinh hoàng. Ta chưa làm chủ được toàn bộ thị xã và địch đang huy động tổng lực phản kích nên ta rút quân tạm thời dừng đợt một. Trong khi đó, địch tăng cường lực lượng phản công và chúng điên cuồng càn quét, khủng bố nhân dân, đánh phá cơ sở ta. Cơ sở quán Cao Nguyên và một số cơ sở khác bị lộ. Tôi và người thân trong gia đình bị bắt, chúng đốt nhà của gia đình và đốt luôn quán Cao Nguyên. Tôi bị bắt giam ở nhà lao Nha Trang và đưa ra Tòa án binh vùng II chiến thuật quân lao tại Nha Trang xét xử, giam giữ từ tháng 2/1968 đến tháng 8/1971”
50 năm trôi qua rồi mà ngỡ cũng đâu có xa xôi gì lắm. Để có một ngày 30/4 huy hoàng, để có một ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất, có cả một thế hệ, trong đó có chú tiểu ở chùa Trung Khánh, cô chủ hàng quán cà phê Cao Nguyên… đã đi qua Mậu Thân 1968 như thế!
Nguyên Phúc