Hiệu quả từ sáp nhập thôn, làng ở Đăk Ui

12/09/2021 13:04

Sau 2 năm triển khai đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, làng ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà), đến nay, các thôn được sáp nhập của xã đã hoạt động ổn định, hiệu quả, từng bước góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Để làm được điều đó, trước khi triển khai sáp nhập, xã Đăk Ui đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng lòng hưởng ứng. Đồng thời xã cũng thực hiện việc rà soát kỹ lưỡng về các mặt, đảm bảo đủ điều kiện và yếu tố thiết yếu để khi sáp nhập, không ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Trước đây, xã Đăk Ui có 11 thôn, qua thực hiện đề án sáp nhập, hiện tại còn lại 8 thôn. Cụ thể, đã sáp nhập thôn Tam Mơ Năng và Kon Tri Ang thành thôn Kon Năng Treang; thôn Kon Mriang và Kon Mnhuô thành thôn MNhuô Mriang; thôn Wang Tó và Kon Hra thành thôn Wang Hra.

Đến thôn Wang Hra, chúng tôi được trưởng thôn Hà Văn Thân giới thiệu: Thôn Wang Hra được hình thành từ việc sáp nhập 2 thôn Wang Tó và Kon Hra vào tháng 8/2019. Ngoài đáp ứng đủ những nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, thì việc sáp nhập thôn Wang Tó và Kon Hra còn dựa trên sự tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của người dân. Chính vì vậy, sau khi sáp nhập 2 thôn, bà con nơi đây rất đoàn kết, hòa đồng, giúp đỡ nhau; thôn luôn hoàn thành tốt mọi chương trình, kế hoạch các cấp, ngành đề ra, đời sống người dân ngày càng ổn định và nâng cao hơn, đặc biệt là số hộ nghèo đã giảm đáng kể.

Đoàn công tác Tỉnh ủy đến thăm và tặng quà bà con nhân dân thôn Wang Hra. Ảnh: TT

 

Trước khi sáp nhập, thôn Wang Tó có 105 hộ dân và thôn Kon Hra có 53 hộ dân; cả 2 thôn có 35 hộ nghèo. Kể từ khi thôn Wang Hra được thành lập, bộ máy quản lý, tổ chức đoàn thể của thôn nhanh chóng được kiện toàn đồng bộ, hoạt động đạt hiệu quả cao, kịp thời triển khai các hoạt động hướng đến người dân. Trong đó, đã thành lập và duy trì 9 tổ vần công giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Mỗi tổ đều có tổ trưởng và tổ phó, chịu trách nhiệm vận động và đăng ký cho các thành viên tham gia những lớp tập huấn về áp dụng các kiến thức, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để ngày càng tiến bộ hơn. Nhờ vậy, nhiều hộ có điều kiện vươn lên, tự sắm sửa máy móc, phương tiện cơ giới để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình; đến thời điểm hiện tại, toàn thôn chỉ còn 15 hộ nghèo. Thôn hiện có 363 ha đất sản xuất, trong đó bà con chủ yếu trồng cà phê, mì, bời lời; gần đây, một số hộ bắt đầu trồng gừng vì loại cây này đã cho hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm qua.    

Anh Thân cho biết thêm: Từ việc sáp nhập thôn, các chỉ số về diện tích đất đai, quy mô dân số được nâng lên, số lượng đảng viên trong chi bộ cũng đủ theo quy định; các tổ chức đoàn thể trong thôn như thanh niên, phụ nữ, nông dân… có đông hội viên và nguồn lực để triển khai nhiều mô hình, hoạt động phù hợp với địa phương. Đặc biệt là các nội dung hướng về xây dựng nông thôn mới ngày càng được chú trọng và có chiều sâu hơn.

Dù đã sáp nhập thôn, nhưng hiện tại, thôn Wang Hra vẫn duy trì sử dụng 2 căn nhà rông của thôn Wang Tó và Kon Hra cũ để luân phiên tổ chức sinh hoạt, các cuộc họp thường niên. Theo anh Thân, đối với bà con nơi đây, nhà rông là biểu tượng của cộng đồng làng, đó là sự gắn kết và linh hồn của tất cả mọi người. Chính vì vậy, việc sử dụng luân phiên giữa 2 căn nhà rông không chỉ nhằm thay đổi không gian họp hành, tạo cho bà con sự thuận tiện về khoảng cách di chuyển, mà còn góp phần gắn kết tất cả mọi người lại với nhau, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Được biết, không chỉ riêng thôn Wang Hra áp dụng việc sử dụng luân phiên 2 nhà rông, mà đây là cách làm chung được chính quyền xã Đăk Ui triển khai đến các thôn được sáp nhập.

Ông A Bốn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Ui cho biết: Những năm qua, xã Đăk Ui đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn đến người dân. Với đặc thù dân cư phân bố không đồng đều, quy mô thôn tương đối nhỏ và mật độ dân số ít, chính quyền xã đã tiến hành khảo sát để sáp nhập thôn. Qua công tác triển khai đề án, nhiều kết quả khả quan và tích cực đã được ghi nhận. Cụ thể, đối với các chủ trương, chính sách của địa phương, bà con đã có sự thống nhất cao hơn trước. Việc bố trí các vị trí cán bộ thôn được tinh giản, tuy nhiên lại đạt được hiệu quả công việc tốt hơn trước, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xây dựng cuộc sống ngày càng tiến bộ, phát triển. Tại các thôn, xuất hiện nhiều hơn những tấm gương tiên tiến, điển hình về các mặt, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi và phong trào trong cộng động.

Theo ông A Bốn, trong thời gian tới, chính quyền xã Đăk Ui sẽ tiếp tục quan tâm, sâu sát đến các thôn sáp nhập để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đồng thời từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc để triển khai đề án được hiệu quả, đúng tinh thần. Phát huy vai trò của mỗi cộng đồng thôn trong việc duy trì và phát huy các thiết chế văn hoá ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới.

Tất Thành

Chuyên mục khác