Hiệu quả từ một mô hình nhóm truyền thông lồng ghép

23/04/2020 06:06

Mục đích của nhóm là đào tạo, hỗ trợ cập nhật kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản với tín dụng, tiết kiệm và khuyến nông; đồng thời đào tạo kỹ năng thuyết trình, sử dụng các công cụ truyền thông, những kỹ năng lồng ghép các nội dung truyền thông cho cán bộ, hội viên nông dân.

Mô hình “Nhóm truyền thông lồng ghép về dân số, sức khỏe sinh sản với tiết kiệm, tín dụng và khuyến nông” của Hội Nông dân tỉnh được triển khai từ năm 2008. Từ 10 nhóm ban đầu, đến nay mô hình đã có gần 30 nhóm, 490 thành viên tham gia, bình quân mỗi nhóm từ 30 đến 35 người; trong đó, 60 thành viên được chọn làm nòng cốt. Mục đích của nhóm là đào tạo, hỗ trợ cập nhật kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản với tín dụng, tiết kiệm và khuyến nông; đồng thời đào tạo kỹ năng thuyết trình, sử dụng các công cụ truyền thông, những kỹ năng lồng ghép các nội dung truyền thông cho cán bộ, hội viên nông dân.

Theo ông Thao Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đều tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ các nhóm truyền thông lồng ghép. Mỗi lớp có khoảng 35 học viên là nhóm trưởng, nhóm phó, thành viên, cán bộ quản lý dự án của các xã Tê Tăng, Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông), Ngọc Réo (huyện Đăk Hà). Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Ngân hàng Chính sách xã hội trực tiếp giảng dạy các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản; bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và vai trò nam giới; kỹ năng truyền thông trực tiếp, giúp đối tượng thay đổi hành vi sức khỏe sinh sản; kỹ năng điều hành nhóm truyền thông có hiệu quả; kiến thức cơ bản hoạt động của tổ tiết kiệm, vay vốn...

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. Ảnh: MT

 

Trong đó, hoạt động giám sát được tổ chức thực hiện định kỳ hằng quý theo các chủ đề truyền thông, như: Kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm phòng; chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh; bình đẳng giới/phòng chống bạo lực gia đình; tín dụng - tiết kiệm - khuyến nông và một số lĩnh vực khác có liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân tại cộng đồng với hàng ngàn người tham gia mỗi năm.

Qua các đợt lớp tập huấn, hội thảo và giám sát định kỳ, phần lớn các nhóm đã nắm vững kiến thức cơ bản, cập nhật nhiều thông tin mới về lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản với tín dụng/tiết kiệm và khuyến nông. Một số nhóm trưởng, nhóm phó thực hiện từ mức độ khá đến thành thạo các kỹ năng điều hành sinh hoạt nhóm lồng ghép, triển khai các hoạt động nhóm, cung cấp các thông tin, báo cáo kết quả hoạt động, như: Nhóm truyền thông của thôn Kon Stiu, Kon Bơ Băn, xã Ngok Réo (huyện Đăk Hà), thôn Đăk Van 2, Đăk Van 3, xã Văn Xuôi và thôn Đăk Song, Đăk Viên, Tân Ba, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông). Các nhóm truyền thông đã lựa chọn các chủ đề phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để lồng ghép vào nội dung chủ đề sinh hoạt truyền thông.

Các chủ đề truyền thông đã cung cấp nhiều thông tin, kiến thức cần thiết, phục vụ cho đời sống của người dân: Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, tín dụng, tiết kiệm, khuyến nông. Ngoài ra, các thành viên tham gia sinh hoạt nhóm còn chia sẻ, hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu về các mô hình sản xuất hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tư vấn các nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Từ đó, đã có sự thay đổi tích cực từ nhận thức, thái độ, hành vi, trách nhiệm trong gia đình, cộng đồng dân cư về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ. Hơn nữa, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị và sự tham gia của người dân trong công tác truyền thông, từng bước đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình thực tế tại địa phương.

Là thành viên tham gia mô hình “Nhóm truyền thông lồng ghép về dân số, sức khỏe sinh sản với tiết kiệm, tín dụng và khuyến nông”, chị Y Ban ở thôn Đăk Van 2, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông nói: Tham gia mô hình, chúng tôi được hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm phòng; chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh; phòng tránh phá thai và phá thai an toàn; phòng chống bạo lực gia đình; tín dụng - tiết kiệm - khuyến nông và một số lĩnh vực khác có liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cũng theo ông Thao Hồng Sơn, để phát huy hiệu quả, phát triển và nhân rộng các nhóm truyền thông tại cộng đồng trong hệ thống Hội Nông dân, cần có những chính sách phù hợp để xây dựng bổ sung vào chương trình, kế hoạch công tác hoạt động từng năm, kế hoạch dài hạn 5 năm của đơn vị nhằm duy trì và phát triển các nhóm truyền thông tại cơ sở. Theo đó, hằng năm, tổ chức tổng kết, đánh giá các hoạt động nhóm, khen thưởng những nhóm truyền thông có thành tích tốt nhất trong hoạt động phong trào công tác Hội. Bên cạnh đó, xây dựng, đào tạo đội ngũ có kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác truyền thông, phục vụ công tác tuyên truyền đạt chất lượng về chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phong trào công tác Hội. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế để tổ chức tập huấn, giám sát định kỳ cho các nhóm truyền thông nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng tổ chức truyền thông tại cộng đồng, từng bước xóa bỏ một số phong tục tập quán lạc hậu để vận dụng đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cuộc sống và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiếu số. Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể và người dân tại địa phương trong quá trình triển khai thực hiện truyền thông tại cộng đồng. Đặc biệt, mở rộng đối tượng tham gia truyền thông, mời các chức sắc tôn giáo tại địa phương nơi có đạo để tham gia tập huấn truyền thông và phối hợp với nhóm hoạt động truyền thông.

 Mạnh Thắng

Chuyên mục khác