Hiệu quả từ mô hình Thư viện sách lưu động

08/01/2020 06:07

Trong triển khai chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi, Hội đồng Đội huyện Đăk Glei đã xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình Thư viện sách lưu động được triển khai đã góp phần đẩy mạnh phong trào đọc sách trong thanh thiếu nhi trên địa bàn.

Anh Lê Hoàng Vũ - Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện đánh giá: Mô hình Thư viện sách lưu động đã tác động tích cực trong việc xây dựng môi trường học tập trong học sinh; khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của sách trong việc phát triển trí tuệ, nhận thức và khả năng tư duy đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi. Qua quá trình hoạt động, được sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng xã hội, mô hình đã đón nhận được nhiều đầu sách hay, đa dạng các thể loại, góp phần làm phong phú thư viện các trường học, tác động tích cực đến hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Bước đầu triển khai mô hình, các đơn vị trường học tổ chức khảo sát nhu cầu đọc sách của giáo viên và học sinh. Qua kết quả thu được, các trường học sẽ đăng ký cụ thể tên sách, tác giả, nhà xuất bản và gửi Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện để tổng hợp, thẩm duyệt. Việc khảo sát nhu cầu sách, sau này được thực hiện định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, nhằm kịp thời bổ sung đầu sách, đảm bảo về chất lượng và số lượng, phong phú về chủng loại, cân đối về thành phần theo yêu cầu của người đọc.

Tiếp đó, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin cùng Huyện đoàn Đăk Glei thẩm duyệt sơ bộ về số lượng, nhu cầu từng loại sách, từ đó làm căn cứ tiến hành vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn sách. Nguồn sách ủng hộ có nội dung phù hợp sẽ được đưa vào Thư viện sách lưu động và luân chuyển đến các trường học, mỗi trường sử dụng trong vòng nửa tháng.

Thầy giáo Cao Văn Nghị - Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học xã Đăk Long chia sẻ: Khi mô hình Thư viện sách lưu động được triển khai tại trường, các em học sinh rất hào hứng đọc sách. Vào giờ ra chơi hoặc giờ nghỉ trưa, các em tập trung rất đông tại thư viện của nhà trường. Cả lúc tan trường, nhiều em vẫn cố nán lại để xem hết những cuốn sách đang đọc dở. Bản thân tôi là một giáo viên, gắn bó với các em học sinh, tôi thật sự vui vì điều này. Tôi cảm thấy mô hình này rất thiết thực và hữu ích đối với nhà trường nói riêng, cũng như toàn xã hội nói chung.

Các em học sinh Trường Tiểu học xã Đăk Long say mê đọc sách. Ảnh: TT

 

Em Y Chấm (học sinh Trường Tiểu học xã Đăk Long) vui vẻ khoe: Giờ ra chơi em rất thích đến thư viện của nhà trường. Ở đây, em có thể đọc các câu chuyện dân gian, truyện cổ tích. Bên cạnh đó, qua việc đến thư viện hàng ngày, em kết thân được với rất nhiều bạn mới, cũng là những người có cùng sở thích đọc sách giống như em. Em mong nhà trường sẽ ngày càng có thêm nhiều cuốn sách mới để em được đọc thỏa thích.

Thầy giáo Cao Văn Nghị cho biết thêm: Trường Tiểu học xã Đăk Long có đến 7 điểm trường, vậy nên việc phát triển phong trào đọc sách đối với toàn thể học sinh nhà trường là rất khó. Tuy nhiên, tại những điểm trường chính, nhà trường cũng đã và đang xây dựng, hoàn thiện các thư viện sách, nhằm tạo thói quen đọc sách đối với các em học sinh. Hiện tại, thư viện của nhà trường đã có hơn 1.000 đầu sách, đa số là các cuốn sách với nội dung về học tập và các loại báo, tạp chí nhi đồng.

Qua 1 năm triển khai (từ tháng 12/2018), đến nay, mô hình Thư viện sách lưu động đã luân chuyển đến 16/22 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. Mỗi khi Thư viện sách lưu động đến với đơn vị trường học nào, Ban giám hiệu trường đó sẽ có nhiệm vụ báo cáo tóm tắt dự kiến phương án quản lý, sử dụng sách, ví dụ như tổ chức các hoạt động đọc sách, phân sách về các điểm trường, lớp...; ký kết giao ước bảo quản các cuốn sách được luân chuyển và sử dụng Thư viện một cách hiệu quả nhất.

Hầu hết các trường được nhận mô hình Thư viện sách lưu động đều bố trí ít nhất 2 tiết học/tuần cho học sinh đọc sách; tổ chức các hoạt động thảo luận, trao đổi, thi kể chuyện, giới thiệu về những quyển sách hay trong nhà trường; phát động các sự kiện liên quan đến sách để tiếp tục duy trì hiệu quả phong trào đọc sách, kể cả khi Thư viện sách lưu động đã luân chuyển sang trường khác.

Vào thời điểm hết kỳ luân chuyển, Huyện đoàn Đăk Glei cùng với Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện sẽ tiếp nhận sách và đánh giá kết quả hoạt động của Thư viện sách lưu động, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của giáo viên, học sinh và luân chuyển sách đến địa điểm tiếp theo.

Anh Lê Hoàng Vũ chia sẻ: Qua thời gian triển khai, Thư viện sách lưu động đã vận động được hơn 4.000 đầu sách, 10.000 tờ báo, được chia làm 3 tủ sách: Tủ sách bậc Tiểu học, tủ sách bậc THCS và tủ sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với việc luân chuyển Thư viện, các trường học đã tổ chức hơn 40 hoạt động cấp Liên đội để thúc đẩy phong trào đọc sách như thi kể chuyện theo sách, giới thiệu sách hay, đọc và làm theo sách…, góp phần khơi lên niềm đam mê đọc sách trong các em học sinh. Với việc duy trì mô hình thường xuyên, đã khắc phục tình trạng khan hiếm sách của các liên đội, nhà trường; góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh, hiệu quả.

Tất Thành

Chuyên mục khác