Hiệu quả từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

29/12/2022 13:00

Những năm qua, tỉnh ta đẩy mạnh lồng ghép các nguồn lực để phát triển hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân khu vực nông thôn.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Trong những chuyến công tác về cơ sở, có một điều chúng tôi nhận thấy là ý thức của người dân sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những kiến thức, kỹ thuật tiếp thu được qua lớp học, người dân còn được trang bị “nền móng” vững chắc để tự học, tự tìm hiểu phát triển kinh tế gia đình.

Về xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà), chúng tôi ghé thăm gia đình chị Y Ly Tha (36 tuổi), là hộ mới thoát nghèo trong năm 2022.

Bên đàn heo sọc dưa được chăm sóc tốt, chị Y Ly Tha không giấu được niềm vui: Năm 2021, tôi được vận động đi học lớp đào tạo về kỹ thuật nuôi heo sọc dưa. Sau lớp học, tôi rất vui vì được mở mang kiến thức sau bao năm nuôi giống heo này không thành công, lại còn được hỗ trợ 3 con heo giống chất lượng. Làm theo những kiến thức học được, đàn heo phát triển khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở. Đến nay, đã bán được 5 con lấy tiền trang trải chi phí và hiện duy trì đàn được 9 con, trong đó có 2 heo giống khỏe mạnh.

Chị Y Ly Tha vui mừng vì áp dụng hiệu quả các kiến thức được học qua các lớp đào tạo nghề. Ảnh: HL

 

Cũng như chị Y Ly Tha, ông A Klôn ở thôn Đăk Rơ Wang (xã Đăk Pxi) cũng đã học hỏi được nhiều sau khi được học lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây rừng. Ông phấn khởi khoe: Nhận thấy nhà có nhiều đất trống trồng mì và một số cây kém hiệu quả, nên khi được cán bộ vận động đi học lớp trồng rừng, tôi đăng ký liền. Bởi tôi nghĩ, có đất mà không tận dụng và phát huy hiệu quả thì lãng phí. Sau khi học, tôi được hỗ trợ cây giống và đã trồng được gần 2ha cây keo. Đến nay, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tôi rất vui và sắp tới khi địa phương tổ chức các lớp nghề khác, tôi sẽ đăng kí đi học để biết thêm”.

Anh Trần Văn Thuận - cán bộ địa chính, xây dựng, nông nghiệp xã Đăk Pxi trực tiếp dẫn chúng tôi tham quan các mô hình chia sẻ: Sau các lớp đào tạo nghề, bà con đã dần thay đổi thói quen chăn nuôi, trồng trọt truyền thống và biết cách tự tìm tòi, học hỏi, lên quy trình để thực hiện hiệu quả. Hầu hết người dân sau khi học nghề đều tìm được hướng đi hiệu quả cho riêng mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phước Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết: Trước khi phối hợp tổ chức bất kỳ lớp đào tạo nghề nào, địa phương đều điều tra khảo sát kỹ lưỡng, nắm bắt nhu cầu của người học để mở lớp phù hợp. Qua nhiều năm triển khai, đến nay nhiều lớp đào tạo nghề đã phục vụ hiệu quả bà con tại địa phương như cạo mủ cao su, sửa chữa máy nông nghiệp, chăm sóc cà phê, lúa nước, nuôi heo sọc dưa, dê, thỏ, trồng rừng. Đặc biệt trong năm 2022, nhờ những lớp đào tạo nghề trồng rừng, chúng tôi đã vận động người dân trồng được 122ha rừng (vượt 12ha so với kế hoạch huyện giao). Điều đáng mừng nhất là thông qua các lớp đào tạo, bà con đã có thay đổi mạnh về nếp nghĩ, cách làm.

Nhiều mô hình hiệu quả

Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người, những năm qua, tỉnh ta chú trọng phát triển những nhóm ngành nghề liên quan đến kinh tế nông, lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương tích cực triển khai nhiều mô hình và qua thời gian đã mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như trên địa bàn huyện Kon Plông có nhiều mô hình phát huy hiệu quả như nuôi trâu, trồng cây và chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho trâu; nuôi và phòng bệnh cho heo; trồng, chăm sóc và thu hái cà phê Catimo; trồng, chăm sóc và thu hái chè Ô Long tại xã Măng Cành.

Tương tự, ở huyện Kon Rẫy cũng có các mô hình tiêu biểu như trồng cà phê, nuôi heo nái sinh sản tại xã Đăk Tơ Lung; trồng, chăm sóc cà phê vối tại xã Đăk Pne và xã Tân Lập.

Nhờ được dạy nghề, nhiều lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã áp dụng để mở rộng, đầu tư sản xuất. Ảnh: HL


Thành phố Kon Tum triển khai mô hình đào tạo nghề gắn với Dự án “Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo”; đào tạo nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng như chế biến rượu cần, món ăn, dịch vụ nhà hàng.

Ông Nguyễn Hoài Vũ- Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình hiệu quả được duy trì như mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê; kỹ thuật nuôi cá lồng và khai thác thủy sản nước ngọt tại xã Hà Mòn; trồng và chăm sóc cà phê kết hợp với các dự án hỗ trợ cây giống cho người dân tham gia học nghề và được vay vốn hỗ trợ sản xuất xã Ngọk Réo và một số mô hình nuôi gà, trồng nấm khác đã phát huy hiệu quả, được nhân rộng.  

Nhờ triển khai tốt các mô hình, từ năm 2012 đến nay, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề ở các cấp trên toàn tỉnh đạt hơn 29 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 36,6%; tỷ lệ lao động nông có việc làm sau khi học nghề đạt trên 90%; có 85 xã đạt chuẩn về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ

Đến nay, các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được sáp nhập, sắp xếp hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 cơ sở GDNN do địa phương quản lý, gồm 1 Trường Cao đẳng Cộng đồng, 8 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và 2 trung tâm GDNN tư thục đào tạo nghề lái xe. Chất lượng đội ngũ giáo viên, các chương trình, phương pháp dạy học ngày càng được nâng cao với tổng số 432 giáo viên và cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN và 255 chương trình, giáo trình đào tạo nghề các lĩnh vực.

Tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho lao động nông thôn trước khi tham gia học nghề. Ảnh: HL

 

Ông A Kang- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả bền vững, tỉnh ta lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm và chú trọng vào nhiều nhóm giải pháp cốt lõi như đổi mới chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng cơ sở vật chất; kiện toàn tổ chức, nhân sự; sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Thời gian tới, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, đáp ứng hiệu quả cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 44%. Đến năm 2030, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 6.200 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 50%; đảm bảo 95% lao động học nghề ra trường có việc làm đúng với nghề đã học” - ông A Kang nhấn mạnh.

Hoàng Lâm

Chuyên mục khác