18/12/2018 06:59
Trước đây, khi có nhu cầu cấp mới, cấp đổi chứng minh nhân dân, người dân đều phải trực tiếp đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tại thành phố Kon Tum để làm việc.
Đối với người dân ở xa, sẽ mất rất nhiều thời gian để đi lại, vì vậy, một số công dân khi đến tuổi làm chứng minh nhân dân có tâm lý chần chừ, có người làm mất chứng minh hay chứng minh đã cũ, quá hạn sử dụng cũng không đi đăng ký cấp đổi.
Bởi vậy, việc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện việc cấp, phát chứng minh lưu động tận nơi đã khiến người dân hết sức phấn khởi và đồng tình ủng hộ.
Trung tá Hồ Thị Thúy Hằng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, chủ động, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nội dung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cấp, quản lý chứng minh nhân dân. Trung bình mỗi năm, đơn vị tổ chức 2 đợt cấp chứng minh nhân dân lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giúp nhân dân có được chứng minh nhân dân nhanh chóng và thuận tiện.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã cấp được 34.515 chứng minh nhân dân (cụ thể: cấp mới 12.471 chứng minh nhân dân, cấp đổi 14.018 chứng minh nhân dân, cấp lại 8.026 chứng minh nhân dân).
Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức 17 tổ lưu động với gần 50 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến các xã, phường, thị trấn, cấp được 11.789 chứng minh nhân dân (chiếm gần 40% tổng số chứng minh nhân dân đã cấp trong năm 2018).
Đồng thời, với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, đơn vị còn cử nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà, bệnh viện, cơ sở y tế cấp hàng trăm chứng minh nhân dân cho người cao tuổi, bệnh nặng, khuyết tật, thân nhân và người có công với cách mạng… Đối với những trường hợp đặc biệt này, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chỉ đạo, cử cán bộ, chiến sĩ phục vụ công dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khi công dân có yêu cầu; khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ cấp chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian 1 ngày làm việc (rút ngắn 6 ngày đối với cấp đổi, 14 ngày đối với cấp lại).
Anh Võ Công Sơn (thôn 1, Bình Trung, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) phấn khởi nói: Tôi cần chứng minh nhân dân gấp để giải quyết công việc, nhưng lại không thể đi lại được vì đang nằm điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Tôi đã viết đơn đề nghị hỗ trợ làm chứng minh nhân dân. Ngay sau khi nhận được đơn, các cán bộ, chiến sĩ đã đến tận giường bệnh để hướng dẫn và làm thủ tục cho tôi. Mừng lắm, vì ngoài việc được hỗ trợ làm chứng minh nhân dân tận nơi, tôi còn được nhanh chóng cấp lại chứng minh nhân dân ngay trong ngày.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch, giảm bớt việc đi lại nhiều lần, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng thực hiện việc rút ngắn thời gian giải quyết cấp mới chứng minh nhân dân đối với công dân trong độ tuổi, cấp đổi chứng minh nhân dân xuống còn 4 ngày làm việc (rút ngắn 3 ngày); tổ chức làm việc vào ngày thứ Bảy hàng tuần; phối hợp với Bưu điện tỉnh chuyển phát chứng minh nhân dân đến địa chỉ theo yêu cầu của công dân.
Thượng úy Hà Minh Đức - Cán bộ Đội Hướng dẫn, đăng ký quản lý cư trú; cấp, phát chứng minh nhân dân và giấy tờ đi lại khác (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) cho hay: Theo quy định, người mất chứng minh nhân dân, đổi chứng minh nhân dân do mờ, nhòe, hư hỏng,… phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào đơn xin đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại chứng minh nhân dân nhưng ở các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, nhân dân không có điều kiện để chụp hình hoặc phải đi xa để đóng dấu, nên rất khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục.
|
Cũng theo Thượng úy Đức, có rất nhiều trường hợp không trùng khớp, còn sai lệch giữa chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và các giấy tờ có liên quan, điều này gây kéo dài thời gian trong công tác cấp chứng minh nhân dân cho công dân đúng thời hạn do cần phải điều chỉnh thông tin thống nhất. Chưa kể việc đi lại của đơn vị, di chuyển đến các thôn, xã, thị trấn còn gặp khó khăn do địa hình phức tạp, đa số là đồi núi, giao thông không thông suốt nhất là vào mùa mưa. Nhiều trường hợp, công dân là người dân tộc thiểu số, không biết tiếng phổ thông, nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp.
“Hiểu được những khó khăn, vất vả của nhân dân trong việc thực hiện thủ tục một cách đầy đủ và di chuyển đến cơ quan công an để làm chứng minh nhân dân, tập thể cán bộ, chiến sĩ làm công tác cấp, quản lý chứng minh nhân dân nói chung và bản thân tôi nói riêng luôn tự nhủ phải nỗ lực, khắc phục khó khăn, tận tụy phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời, cố gắng nhiều hơn nữa để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn” - Thượng úy Đức nói.
Không chỉ chú trọng về mặt cải cách thủ tục hành chính, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cũng được Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đặc biệt quan tâm.
“Ngoài việc bố trí cán bộ, chiến sĩ có trình độ năng lực trực tiếp tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, đơn vị còn bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao nghiệp vụ và xử lý tình huống trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ chiến sĩ thông qua các buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng định kỳ, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, có văn hóa ứng xử, thái độ tiếp công dân chuẩn mực, không gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân” - Trung tá Hồ Thị Thúy Hằng chia sẻ.
Bài, ảnh: Đức Thành