Hiệu quả lớn từ những mô hình nhỏ

07/03/2020 13:06

Những năm qua, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều mô hình để nâng cao nhận thức và hành động cho hội viên phụ nữ. Những mô hình này đang mang lại hiệu quả lớn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời chung sức cùng chính quyền địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các đường làng, ngõ xóm tại thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, chị Y Pót - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đăk Viên phấn khởi cho biết: “Từ ngày thành lập mô hình thu gom phân chuồng, chị em phụ nữ đã ý thức hơn trong việc chăn nuôi tập trung và thu gom phân chuồng để bán. Nhờ vậy, đường làng ngõ xóm ngày càng sạch đẹp hơn”.

Theo lời chị Pót, trước đây, bà con trong thôn thường có thói quen chăn nuôi thả rông và ít khi tiến hành thu gom phân chuồng. Trước thực trạng đó, năm 2018, Hội LHPN xã Tê Xăng đã triển khai làm điểm mô hình thu gom phân chuồng và vệ sinh đường làng ngõ xóm tại thôn Đăk Viên.

Ban đầu, mô hình thu hút 54 thành viên tham gia. Vào mô hình, các chị em phụ nữ thống nhất, tập hợp cùng đi thu gom phân chuồng. “Năm đầu tiên chúng tôi thu gom và bán được hơn 7 triệu đồng. Số tiền đó ngoài việc giúp các chị gây quỹ để thăm hỏi nhau lúc ốm đau, các chị còn cho nhau mượn để trang trải khi khó khăn” - chị Y Pót chia sẻ.

Thấy mô hình hoạt động hiệu quả, 11 hội viên phụ nữ trong thôn tiếp tục đăng ký tham gia, tăng tổng số thành viên lên 65. Thay vì thu gom tập trung, chị em vận động nhau tự thu gom hàng ngày rồi góp lại để bán. Năm 2019, các chị thu gom và bán được hơn 6 triệu đồng.

Tham gia mô hình, chị em phụ nữ thôn Đăk Viên nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tương thân tương ái. Ảnh: HT

 

“Sau 3 năm triển khai, mô hình đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thể hội viên phụ nữ trong thôn. Qua việc thu gom phân chuồng đã giúp các chị nâng cao ý thức trong giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, từ khi có mô hình, cùng nhau thực hiện các công việc, chị em đoàn kết, tương thân tương ái hơn” - chị Y Pót phấn khởi.

Nhận thấy mô hình tại thôn Đăk Viên mang lại hiệu quả, năm 2018, Hội LHPN xã Tê Xăng tiếp tục nhân rộng mô hình tại thôn Đăk Sông.

“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra 2 chi hội còn lại. Chúng tôi cũng vận động chị em làm chuồng trại chăn nuôi, thu gom, sử dụng phân chuồng để bón cà phê, bời lời, vừa để tăng năng suất, vừa góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả tiêu chí bảo vệ môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới” - chị Y Bắp, Chủ tịch Hội LHPN xã Tê Xăng chia sẻ.

Nếu Hội LHPN xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông chọn cách nhân rộng mô hình thu gom phân chuồng để bảo vệ môi trường thì Hội LHPN xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà lại chọn thực hiện và triển khai có hiệu quả mô hình “Đường, làng, nhà tôi xanh, sạch, đẹp”.

Ngoài việc vận động hội viên phụ nữ tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, Hội LHPN xã còn triển khai cho tất cả 7 chi hội thực hiện trồng hoa dọc theo các tuyến đường chính trong thôn, đường nội đồng. Đến nay, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đã trồng được gần 4km hoa dọc theo các tuyến đường.

Chị Thái Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà cho biết, việc triển khai mô hình con đường hoa đã mang lại ý nghĩa sâu sắc, giúp hội viên nâng cao nhận thức trong việc thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” và công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mô hình cũng giúp chị em thắt chặt tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm được vun đắp và tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động.

Ngoài việc triển khai xây dựng con đường hoa, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Đăk Hà còn nỗ lực tuyên truyền, vận động hội viên phân loại rác tại nhà, dọn vệ sinh tại khu dân cư… Đến nay, 3 mô hình thu gom rác thải tại xã Hà Mòn hoạt động hiệu quả, giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường. Ngoài ra, khi được Hội LHPN tỉnh trao 200 giỏ đi chợ, nhiều chị em phụ nữ đã nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, xách giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông.

Chị Phạm Thị Viên – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Hà nhấn mạnh: “Mỗi người một tay, chúng tôi sẽ cố gắng có thêm nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để chung tay làm môi trường sạch, đẹp”.

Nhằm góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, khi xây dựng văn kiện Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường là 1 trong 10 chỉ tiêu của nghị quyết.

 Trên cơ sở Nghị quyết đề ra, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” gắn với tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy, việc thực hiện khâu đột phá nâng cao nhận thức và hành động cho hội viên, phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh hưởng ứng rộng rãi, tạo sự chuyển biến trong phong trào phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII. Đây chính là tiền đề quan trọng để Hội LHPN các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường trong những năm tiếp theo.        

Hoài Tiến

Chuyên mục khác