“Hiểu nhầm” hay chủ quan, lơ là?

08/10/2021 15:51

Tôi nhận thấy rằng, có không ít người đang cố tình “hiểu nhầm”, hoặc lấy “hiểu nhầm” văn bản chỉ đạo của tỉnh ra để biện minh cho tâm lý lơ là, chủ quan của mình, để ngụy biện cho hành vi tụ tập cà phê, ăn sáng, không giữ khoảng cách trong mấy ngày gần đây.

Ngày 3/10, mới mờ sáng mà điện thoại của tôi rung liên tục. Đều là bạn bè, người thân hỏi thăm về “chủ trương mới” của tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. “Nghe nói là tỉnh đã có văn bản mới gỡ bỏ nhiều quy định cấm rồi à” là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất.

Thậm chí có một số người thể hiện niềm vui, sự phấn khởi của mình bằng việc lập nhóm rủ rê nhậu. “Đã được ăn nhậu vô tư rồi nhé, bà con”- anh bạn thân nhắn trong zalo, kèm theo icon mặt cười.

Tất nhiên là tôi mất khá nhiều thời gian để trả lời hết những câu hỏi của người thân, bạn bè. Chủ yếu là cân nhắc “liều lượng” thông tin theo hướng ngắn gọn nhất có thể, nhưng mọi người vẫn có thể hiểu đúng về nội dung Công văn số 3539/UBND-KGVX ngày 2/10 của UBND về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Tôi giải thích rằng, văn bản có những quy định mới, phù hợp hơn với chiến lược kiểm soát dịch bệnh theo quan điểm “thích ứng an toàn” hiện nay, nhưng tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vẫn là chủ đạo.

Rằng, tất cả người dân trên địa bàn tỉnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng; chú ý giữ khoảng cách tối thiểu 02m khi tiếp xúc; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng (ngoại trừ phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…).

Mua bán tấp nập trên đường Bùi Thị Xuân (thành phố Kon Tum). Ảnh: HL

 

Bên cạnh đó, tiếp tục tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: Karaoke, vũ trường, bar, pub, massage, xông hơi; các điểm truy cập internet, cung cấp trò chơi điện tử công cộng; rạp chiếu phim; khu vui chơi, giải trí, điểm hát với nhau.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, kể cả nhà hàng đến thức ăn, thức uống đường phố, vỉa hè… vẫn phải đảm bảo khoảng cách giữa các bộ bàn ghế tối thiểu 02m, giãn cách khách tối thiểu 01m và giảm 50% số lượng khách hàng phục vụ tại cùng một thời điểm (số lượng khách hàng được tính theo số lượng đăng ký kinh doanh thuế).

Như vậy là không có chuyện “ăn nhậu vô tư” nhé- tôi nhấn mạnh. Sau khi được giải thích, anh bạn tôi ngượng ngùng lý giải do “hiểu nhầm” nên mới có suy nghĩ như vậy.

Từ câu chuyện trên cũng cho thấy một thực tế là, không phải ai cũng chủ động tiếp cận và tìm hiểu kỹ các văn bản chỉ đạo, và vai trò đội ngũ “tuyên truyền viên” là hết sức quan trọng.

Câu hỏi đặt ra là: Có phải thật anh bạn tôi “hiểu nhầm”, hay là biểu hiện của sự chủ quan, lơ là, khi tỉnh ta “an toàn” trong suốt thời gian qua?

Với sự quan sát của mình, tôi nghiêng về vế sau hơn. Nghĩa là, có không ít người đang cố tình “hiểu nhầm”, hoặc lấy “hiểu nhầm” văn bản chỉ đạo của tỉnh để biện minh cho tâm lý lơ là, chủ quan của mình, để ngụy biện cho hành vi tụ tập cà phê, ăn sáng, không giữ khoảng cách.

Ô tô, xe máy đậu kín trước quán ăn sáng trên đường Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum). Ảnh: H.L


Nếu không tin, bạn cứ đi một vòng qua các quán ăn sáng, cà phê, quán nhậu vỉa hè sẽ thấy. Sau một thời gian dài im ắng, những ngày gần đây đã khá nhộn nhịp trở lại. Sáng 6/10, tôi ghé vào quán ăn sáng quen thuộc trên đường Lê Hồng Phong, nhưng phải quay ra vì kín khách. 

Thời gian qua, tỉnh ta kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vì đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các cấp, các ngành và người dân không chủ quan, luôn chủ động kiểm soát chặt các nguy cơ lây lan dịch bệnh vào “nội địa”; đẩy mạnh phòng dịch từ cơ sở; thực hiện nghiêm 5K…

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn. Tại văn bản số 1742-CV/VPTU ngày 6/10 của Văn phòng Tỉnh ủy chuyển đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ, nguy cơ dịch Covid-19  phát sinh trong cộng đồng là rất cao, do dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp; người dân từ các tỉnh phía Nam tự phát đi về, qua địa bàn tỉnh rất nhiều, trong đó có những người mắc Covid-19.

Thực tế ở các tỉnh, thành phố đã và đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp cho thấy, tâm lý chủ quan rất hay xuất hiện sau khi nới lỏng các quy định phòng, chống dịch. Và khi mọi người không còn tâm lý e dè, sẽ tăng tiếp xúc xã hội và tự thấy không cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, cũng sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh.

Chính vì vậy, khi thực hiện chuyển hướng từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, một số quy định sẽ được nới lỏng, thì các biện pháp phòng dịch tại nơi kinh doanh, sản xuất, nơi làm việc, đặc biệt là đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách… càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

Nhấn mạnh vai trò chủ thể, trung tâm của người dân trong phòng, chống Covid-19, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Võ Văn Thanh từng nhấn mạnh rằng, người dân cần tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương và tỉnh; nhất là không chủ quan, tự giác thực hiện các biện pháp phòng lây lan dịch bệnh.

Đưa nhịp sống dần ổn định trở lại để phục hồi kinh tế là mục tiêu của “thích ứng an toàn”. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy, chúng ta vẫn cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan.

Càng không nên “hiểu nhầm” như anh bạn tôi.      

Hồng Lam

Chuyên mục khác