Hiến máu cứu người - Nghĩa cử cao đẹp

07/04/2019 17:09

​Hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hiến máu nhân đạo, trong những năm qua, cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, đoàn thể, đông đảo người dân trong tỉnh, đặc biệt là đoàn viên thanh niên đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện.

Đến nay, toàn tỉnh có 9/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện. Trong năm 2018 vừa qua, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện cho các tầng lớp nhân dân tại địa phương với nhiều hình thức phong phú, đặc biệt trong năm đã có 2 chiến dịch hiến máu tình nguyện lớn là “Hiến máu dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng” và “Những giọt máu hồng hè”. Ban Chỉ đạo 4 huyện: Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà đã hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động tổ chức tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện; công tác khen thưởng, tôn vinh người hiến máu tại địa phương với tổng kinh phí gần 89 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Ven - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, trong năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã tổ chức được 15 buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho 6.000 lượt người và 20 buổi tuyên truyền gián tiếp; làm được 50 băng rôn treo các trục đường chính tại thành phố Kon Tum, phát hành 30 CD tuyên truyền trên địa bàn các huyện/thành phố và phát hành hàng ngàn tài liệu/ấn phẩm khác do Ban Chỉ đạo Quốc gia cung cấp về nội dung tuyên truyền hiến máu tình nguyện.

Bà Nguyễn Thị Ven cho biết: Thông qua việc tổ chức các chiến dịch, sự kiện, các hoạt động truyền thông và cổ động trực quan như băng đĩa, băng rôn, thư kêu gọi hiến máu, pa nô, áp phích, tờ rơi... đã giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về hiến máu tình nguyện và nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người, từ đó làm thay đổi nhận thức của người dân, tác động mạnh tới tình cảm, trách nhiệm của bản thân mỗi người đối với cộng đồng để thực hiện hiến máu tình nguyện và hiến máu nhắc lại.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ chính sách cho người hiến máu được các ngành liên quan thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước. Công tác tôn vinh, khen thưởng, biểu dương những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp chú trọng.

Tại buổi lễ tôn vinh “Những người hiến máu tiêu biểu tỉnh Kon Tum” năm 2018, UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho 4 cá nhân và 1 gia đình có thành tích hiến máu trên 20 lần; Ban Chỉ đạo tỉnh đã trao Giấy khen cho 12 tập thể và 12 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2017; trao Kỷ vật cho 16 gia đình và 117 cá nhân đã hiến máu từ 5 lần trở lên; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao Giấy khen cho 45 cá nhân hiến máu lần thứ 3 trở lên cho các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của tỉnh; UBND các huyện đã trao Giấy khen cho 15 tập thể, 1 gia đình và 78 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Các tình nguyện viên hiến máu tại Ngày hội Xuân hồng năm 2018

 

Nổi bật nhất trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện để có nguồn máu ổn định là: Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh và các huyện như: Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy... Một số đơn vị như Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, huyện Kon Rẫy và các Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện trong tỉnh còn thực hiện tốt hiến máu đột xuất khi có yêu cầu để phục vụ cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức được 31 đợt lấy máu tập trung và nhiều đợt lấy máu đột xuất phục vụ cho nhu cầu sử dụng máu của người bệnh. Cụ thể, Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận được 4.316 túi máu với 4.374 đơn vị máu, đạt 108% so với kế hoạch của Trung ương Hội Chữ thập đỏ giao, trong đó 3.543 đơn vị máu tiếp nhận được từ người hiến máu tình nguyện (chiếm 81%), tỷ lệ người hiến máu nhắc lại đạt 65% và tỷ lệ dân số hiến máu đạt 0,81%. Và trong quý I/2019, toàn tỉnh đã tiếp nhận được 991 đơn vị máu từ người hiến máu tình nguyện.

Đối với ngành Y tế tỉnh, công tác lấy máu được thực hiện theo đúng quy trình. Máu sau khi tiếp nhận được bảo quản trong thùng bảo quản chuyên dụng. Khoa Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng trang thiết bị hiện đại để sản xuất các chế phẩm máu, sau đó đưa về bảo quản ở tủ lạnh chuyên dụng từ 5- 80C, do đó đã nâng được thời gian bảo quản từ 35 ngày trước đây lên 42 ngày; đồng thời trang bị đầy đủ hóa chất, sinh phẩm để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo qui định của Bộ Y tế trong an toàn truyền máu.

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, công tác hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, thu hút các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia, trong đó nòng cốt là đoàn viên thanh niên. Theo đó, số lượng máu thu được từ nguồn máu tình nguyện năm sau luôn cao hơn năm trước, chất lượng máu được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác