Hè của những em nhỏ vùng cao Tu Mơ Rông

13/08/2020 06:03

Hè thường là khoảng thời gian để các em nhỏ vui chơi, thư giãn sau một năm học miệt mài với những con chữ, phép tính. Thế nhưng, đối với nhiều em nhỏ ở vùng cao Tu Mơ Rông, hè là lúc các em phụ giúp bố mẹ làm việc, kiếm tiền để lo cho giấc mơ con chữ.

Trong chuyến công tác mới đây lên Tu Mơ Rông, tôi có dịp băng qua đèo Măng Rơi trong làn mây mù giăng phủ kín đỉnh núi. Đến lưng chừng đèo, giữa tiết trời rét lạnh, tôi khá ngỡ ngàng khi gặp những em nhỏ đầu trần, quần áo mỏng manh, mặt mũi lấm lem, đang “tay xách, nách mang” các sản vật núi rừng đến khu chợ “10 nghìn đồng” bày bán.

Thấy tôi đến gần, các em nhìn tôi với đôi mắt sáng long lanh, miệng lém lỉnh hỏi: “Chú mua gì? Mở hàng cho cháu đi ạ!”. Cách ứng xử của bọn trẻ khi gặp người lạ khiến tôi khá bất ngờ. Có lẽ việc bán hàng thường xuyên giao tiếp với người lạ đã tạo cho các em sự lanh lẹn, dạn dĩ khác hẳn sự vẻ nhút nhát thường thấy ở các em nhỏ vùng sâu vùng xa.

Ba chị em Y Ngọk tại sạp hàng của mình. Ảnh: VT

 

Trò chuyện với tôi, các em cởi mở kể về cuộc sống của mình. Không được như các em nhỏ nơi khác, vào thời gian nghỉ hè, các em phải phụ giúp gia đình kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Em Y Ngọk (học sinh lớp 8, ở thôn Tu Cấp, xã Tu Mơ Rông) cho biết, nhà em có 4 chị em. Bố mẹ em đi làm trong rừng dài ngày, là chị cả nên Y Ngọk có trách nhiệm chăm sóc các em. Nghỉ hè năm nào cũng vậy, Y Ngọk cùng các em hái bí, bắp, các loại rau và đi bộ hơn 4km lên đây bán.

Đúng với vai trò chị cả, Y Ngọk phân công cho mỗi em một việc. Lớn tuổi nhất nên Ngọk vào rừng tìm hái các loại rau rừng, măng, nấm… Hai em nhỏ nhất là A Đinh (lớp 1) và Y My (lớp 3) ngồi bán hàng. Còn Y Thủy (lớp 5) có nhiệm vụ tưới rau ở nhà và nấu cơm, xong nhiệm vụ thì cả 4 chị em tập trung lại khu chợ.

Khi nghe hỏi vào rừng hái rau một mình có sợ không, Y Ngọk láu lỉnh đáp: Đâu phải một mình cháu đi đâu, mấy bạn và anh chị trong làng cũng đi nữa, đông vui lắm. Cứ có thời gian rảnh hay dịp nghỉ hè, bọn cháu lại cùng nhau vào rừng hái rau, bẻ măng… để đem ra bán, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.

Dù cuộc sống khó khăn, các em nhỏ nơi đây vẫn luôn tươi cười, thích phụ giúp gia đình và rất ham học. Ảnh: V.T

 

Trong lúc chị cả Y Ngọk đang tíu tít kể chuyện, cô em Y Thủy thập thò cuốn sách sau lưng, thấy tôi gặng hỏi, em ngại ngùng chia sẻ: Sắp tới cháu vào lớp 6, nghe mấy anh chị nói khó lắm nên cháu phải mang sách lên vừa ngồi bán hàng vừa tìm hiểu để biết sơ các kiến thức. Ước mơ của cháu say này trở thành giáo viên dạy môn Văn.

“Cháu rất thích môn Văn, thích làm những bài văn miêu tả cuộc sống của người nông dân và tả cuộc sống của những bạn nhỏ vùng cao. Cháu phải cố gắng học thật giỏi để sau này có công việc ổn định mới mong giúp bố mẹ thoát nghèo” - Y Thủy long lanh ánh mắt.

Nghe em kể chuyện học, cô chị cả Y Ngọk tự hào khoe, các em đều rất ham học, năm nào cũng đạt học sinh khá giỏi của trường. Toàn bộ số tiền các em bán được đều đưa bố mẹ để phụ chi tiêu trong gia đình và lo cho việc học. Những món quà của núi rừng đã nuôi các em ăn học suốt những năm qua.

Những bao măng đầy ắp với ước mơ con chữ của các em nhỏ vùng cao. Ảnh: VT

 

Tạm biệt các em, tôi tiếp tục vượt đỉnh Măng Rơi. Dọc đường đi, tôi bắt gặp “đoàn quân nhí” đầu trần, mặt lấm tấm mồ hôi, rồng rắn bước theo một người phụ nữ lớn tuổi. Sau lưng các em địu những chiếc gùi, túi may từ bao xi măng, tay cầm cuốc, dao và xà beng. Có 2 em còn địu 2 em nhỏ đang ngủ gà ngủ gật trên lưng.

Vì tò mò nên tôi ghé lại hỏi, người “dẫn đoàn” - bà Y Năng (72 tuổi, ở thôn Ngọc La, xã Măng Ri) cho biết, 11 đứa trẻ đây là cháu nội và ngoại của bà, đứa thì mồ côi cha mẹ, đứa thì bố mẹ đi làm xa, từ lúc được nghỉ hè các cháu cùng bà đi vào rừng đào dế, hái rau, măng, chặt củi...

Bà Y Năng cho biết, năm vừa rồi mùa lúa thất thu, mì thì bán không được giá, bố mẹ các cháu thì đi làm xa, các cháu phải tự lo cho thân mình. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng khi sương mù còn vây kín, bà lại cùng các cháu vào rừng kiếm củi, hái rau, bắt dế cơm…; đến trưa thì xuống núi, mang những sản vật thu hái được ra trung tâm huyện bán.

Những bó củi được các em bó gọn để mang đi bán. Ảnh: VT

 

Khi hỏi về việc học, Y Ngoan (lớp 9), cháu ngoại bà Y Năng chia sẻ: Năm đến là cháu bước vào lớp 10, vì nhà nghèo nên ba mẹ bắt nghỉ học. Vì cháu vẫn muốn đến trường cùng các bạn nên thời gian nghỉ hè, cháu đi rừng kiếm các sản vật bán phụ kiếm tiền lo cho việc học.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng thật đáng mừng khi những em nhỏ nơi đây đều rất yêu và nhận thấy tầm quan trọng của “con chữ”. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân, gia đình, sự chia sẻ động viên của các thầy cô giáo, của chính quyền địa phương, các em cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm, để có một mùa hè đúng nghĩa, không còn nặng nỗi lo dang dở ước mơ đến trường.           

Văn Tùng

Chuyên mục khác