Hãy mở lòng với hoa xuân

18/01/2020 13:22

Mỗi người chúng ta cũng nên “mở lòng với hoa xuân”, để nỗi lòng của những người trồng hoa có được một niềm vui trọn vẹn cùng Tết, cùng với mỗi mùa hoa xuân.

Trong những năm gần đây, Hội chợ hoa xuân được thành phố Kon Tum bố trí ở tuyến đường Trần Phú (nối dài) của phường Trường Chinh. Những gian hàng hoa của người dân trong tỉnh và từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… hội tụ về đây làm cho không khí của chợ hoa phục vụ ngày Tết thêm rộn ràng, tươi mới. Nhưng ít ai biết rằng, sau những sắc hoa tươi tắn kia là bao nỗi lòng trăn trở, lo lắng của người trồng hoa.

Ông Nguyễn Văn Thủ là một người trồng hoa ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) cho biết, để có hoa đúng dịp Tết, từ cuối tháng 8 âm lịch người trồng hoa cúc phải xuống giống. Sau một tuần bén rễ, những vườn cúc phải được chong điện để tăng chu kỳ quang học. Đây là cách nhà vườn không cho hoa “ngủ”, để phát triển liên tục, cây lên cao hơn. Muốn có được một chậu hoa cúc đẹp để có thể bán dễ dàng trong dịp Tết, nhà vườn phải bỏ rất nhiều công chăm sóc, từ khi ươm giống, tưới nước 2 lần/ngày đến khi phải thúc cho cây đủ cao, tán ôm kín to gấp 2 lần vòng chậu và hoa nở đều… Suốt gần 4 tháng ròng chăm bón, bởi thời điểm nào cũng quan trọng đối với chu kỳ sinh trưởng và phát triển của hoa cúc, người trồng mới có được những “chậu hoa ưng ý” phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trong tất cả các loại hoa Tết, cúc là loài hoa nhọc công chăm sóc nhất, người trồng phải có mặt liên tục ở vườn suốt mấy tháng ròng, sơ sẩy một chút là coi như mất trắng, có thể mất nguồn thu nhập chính trong năm của cả gia đình.

Quất cảnh được bày bán khá sớm ở chợ hoa Xuân. Ảnh: XB

 

Mấy năm gần đây, tại xã Đăk Blà cũng hình thành một làng hoa nhỏ. Ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Kon Tu 2) tâm sự: Ở xã Đăk Blà, nhiều thôn bắt đầu trồng rau, hoa. Về hoa đón Tết, trước kia, ở đây chỉ trồng hoa lay ơn giống cũ, bông ít, không đẹp, về sau nhiều người tìm mua giống lay ơn cao cấp từ Đà Lạt đem về trồng, đáp ứng thị hiếu của người mua hoa. Giờ đây, ở thôn Kon Tu 2 xã Đăk Blà nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng hoa lay ơn Đà Lạt. Trồng hoa tuy không cho thu nhập cao và có thể làm giàu như trồng cà phê, cao su, nhưng bù lại người trồng hoa gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên và như được thanh lọc tâm hồn mình, thanh thản hơn trước bộn bề cuộc sống. Làng hoa nhỏ của xã Đăk Blà chỉ với các loài hoa dân dã như cúc, lay ơn cũng tham gia góp mặt ở chợ hoa thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Phúc - một người trồng mai ở Bình Định, như “bén duyên” với chợ hoa Kon Tum. Năm  nào ông cũng góp mặt ở đây từ 50 - 80 chậu.

Ông Phúc cho biết cây mai đâm nụ ở mỗi nách lá, được “nâng như nâng trứng”. Đến cuối tháng 11 âm lịch, người trồng mai bắt đầu ngóng cổ “trông trời, trông đất, trông mây...”, đoán thời tiết, chọn thời điểm thích hợp nhất lặt lá mai. Nắng ấm thì xuống lá muộn, mưa lạnh thì lo mà xuống lá trước tháng Chạp. Khó vậy, nhưng bán được một chậu hoa mai cũng không dễ dàng gì. Một cây mai có dáng thế đẹp, có 5 năm tuổi trở lên và trổ hoa đúng dịp Tết, nếu bán được giá từ 2 - 4 triệu đồng là mừng lắm rồi.

Tưởng trồng hoa đón Tết giản đơn, nhưng từng công đoạn thì không dễ dàng chút nào. Người trồng hoa phải tất bật với việc chăm sóc từng cành cây, nhánh lá, nụ hoa, chỉ mong sao hoa khoe sắc đúng dịp “Tết đến, Xuân về”. Mấy năm gần đây thời tiết diễn biến phức tạp, người trồng hoa Tết rất lo lắng, đặc biệt là người trồng mai. Nguyên do là loại hoa này rất “nhạy cảm” với thời tiết, một cơn mưa trái mùa, hoặc thời tiết chuyển lạnh bất thường chừng vài ngày là hoa có thể nở không đúng Tết. Hoa nở sớm, hoặc muộn chừng 3-5 ngày là người trồng mai “điêu đứng”.

Cực nhọc, lo toan của người trồng hoa là thế, nhưng có nhiều người mua hoa lại chưa mở lòng.

Một vườn hoa ở tổ 3, phường Trường Chinh. Ảnh: LS 

 

Chị Nguyễn Thị Phượng (đường Bà Triệu, phường Thắng Lợi,  thành phố Kon Tum) than thở, năm ngoái chị tham gia chợ hoa, hàng thì lấy từ Đà Lạt về và Bình Định lên, nhưng bán ế lắm. Có lẽ do hàng nông sản xuống giá, thu nhập của người dân thấp, nên sức mua giảm. Trồng hoa và bán hoa thời điểm này cũng nhiều may rủi, có năm bán “hút hàng”, nhưng cũng có năm “bán không trôi”. Năm Kỷ Hợi vừa qua chị lỗ trên 10 triệu đồng, xem như không có Tết.

Mua hoa Tết, ít ai hiểu nỗi khổ của người trồng hoa. Có nhiều người, không phải vì túi tiền ít hay công việc bận rộn cuối năm, mà lại gắng công chờ đợi đến chiều 30 Tết, lúc gần mãn cuộc chợ hoa, lúc giá hoa rơi xuống “bèo” nhất mới hỏi mua hoa. Bán hoa chiều 30, nỗi lòng của người trồng hoa thật bùi ngùi. Lẽ nào những “đứa con mọn” được chăm sóc khá kỹ lưỡng sau hơn 100 ngày dãi dầu nắng sương, lúc giờ giao thừa là thời khắc thiêng liêng, khi đất trời giao hoan, chuyển mùa, hoa lại được xem là món hàng rớt giá!

Ai cũng đón đợi “Tết đến, xuân về” và nhu cầu hoa cho ngày Tết đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam khi chào đón một năm mới, như gửi gắm vào đó những tình cảm ước vọng hoặc ít nhất cũng là một thú chơi tao nhã của người Việt. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cũng nên “mở lòng với hoa xuân”, để nỗi lòng của những người trồng hoa có được một niềm vui trọn vẹn cùng Tết, cùng với mỗi mùa hoa xuân.

Tôi chợt nhớ và nhẩm nha mấy lời ca “ Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa/ Em cứ yêu con người ngọt ngào đời vẫn thế/ Em hãy dâng cho đời một nụ hoa tình cờ…”. trong bài hát “Hoa xuân ca” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chợt nghĩ dường như hoa xuân cũng mang nhiều triết lý và thông điệp của đời sống.

Dương Lê

Chuyên mục khác