Hãy là “công dân mạng thông thái” khi sử dụng mạng xã hội

25/11/2019 13:07

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội ra đời góp phần làm thay đổi đời sống tinh thần của con người. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì mạng xã hội cũng gây ra không ít hệ lụy về mặt xã hội, bởi những thông tin độc hại làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục nếu người dùng mạng không tỉnh táo, thiếu chọn lọc thông tin. Vì vậy, mỗi người khi dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác khi tiếp nhận thông tin và nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia vào “sân chơi” này.

Cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội

Phải nói rằng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự xuất hiện các mạng xã hội những năm gần đây tạo sự phát triển đa dạng môi trường giao tiếp của con người. Nhiều người đã sử dụng mạng xã hội làm phương tiện để truyền thông, bán hàng, tự quảng cáo qua việc tự đăng tải thông tin, chia sẻ, bình luận, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, phát triển trí tuệ, tăng thu nhập…

Bên cạnh mặt tích cực mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy, mạng xã hội có những bất cập mà người dùng mạng cần phải cảnh giác, đó là có nhiều thông tin đăng tải không chính xác, lừa đảo, tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống. Đáng ngại nhất là nhiều người không biết vô tình hay cố ý đăng, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là vu khống, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, cá nhân… tác động tiêu cực đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, thậm chí làm ảnh hưởng an ninh chính trị của địa phương và của quốc gia.

Ở tỉnh Kon Tum từng xảy ra những trường hợp vi phạm khi dùng mạng xã hội, tuy mức độ ảnh hưởng chưa nghiêm trọng. Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, vài năm trở lại đây, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý 4 vụ vu khống, xúc phạm cá nhân, tập thể trên mạng xã hội; trong đó có 1 vụ đã tiến hành xử phạt.

Đó là trường hợp hồi giữa năm 2018, một tài khoản facebook đăng tải lên trang facebook cá nhân của mình về 1 bé trai khoảng 2 tuổi bị gãy 5 ngón tay được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Theo chủ tài khoản facebook này, các y, bác sĩ bắt người nhà cháu bé phải về lấy giấy tờ mới cấp cứu. Dòng trạng thái này sau đó đã được hàng ngàn lượt thích, chia sẻ, trong đó có nhiều bình luận xúc phạm đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện... Nhưng sau khi xác minh của cơ quan chức năng, đó chỉ là thông tin vu khống, không chính xác. Sau đó chủ tài khoản facebook đã phải công khai cải chính trên trang cá nhân và đến xin lỗi Bệnh viện; đơn vị nơi chủ tài khoản đó công tác cũng đã tiến hành kỷ luật vì đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Có thể nói, hiện nay, mạng xã hội đưa rất nhiều thông tin trái chiều, giống như “mê hồn trận”, người tham gia mạng xã hội khó phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả… Vấn nạn tin giả trên mạng xã hội đến mức đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, cơ hội đang lợi dụng triệt để mạng xã hội phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước… ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Do đó, mỗi người tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo để nhận diện những thông tin xấu độc trên internet và tích cực đấu tranh, ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách hiệu quả…

Cần tạo ra “kháng thể” khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội

Theo ông Hà Thanh Tuấn- Chánh Văn phòng Sở Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội như con dao hai lưỡi, nó có nhiều lợi ích nhưng cũng chứa nhiều nội dung xấu, độc. Vì tiện lợi nên mạng xã hội thu hút được nhiều lứa tuổi và đa dạng về mặt nhận thức. Hiện nay lứa tuổi sử dụng mạng xã hội đang ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó các em chưa đủ nhận thức chín chắn để sàng lọc, kiểm soát thông tin, nên rất dễ bị ảnh hưởng lôi kéo, kích động. Trong khi đó, những thông tin trên mạng chưa được kiểm duyệt, kiểm chứng tạo nên “ma trận thông tin” thật giả, tốt xấu lẫn lộn.

“Mỗi người dùng phải tự tạo cho mình “sức đề kháng”, có nghĩa là phải nâng cao nhận thức, cân nhắc trước khi tiếp nhận thông tin, thận trọng trước khi phát ngôn, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội. Bởi thông tin trên mạng xã hội tốc độ lan truyền nhanh nên một thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng khôn lường đến uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội” - ông Hà Thanh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, việc xử lý những chủ tài khoản vu khống cá nhân, tập thể trên mạng xã hội do nhiều cơ quan quản lý. Theo đó, những thông tin ảnh hưởng đến yếu tố an ninh trật tự, an toàn xã hội thì do cơ quan công an xử lý; những thông tin liên quan đến thuần phong mỹ tục, bôi nhọ cá nhân, tổ chức thì do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý; những trường hợp quan trọng cần có sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý.

Để đẩy lùi sự tác động tiêu cực, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên… cần xác định trách nhiệm giữ vai trò nòng cốt, tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, tích cực đấu tranh với thông tin xấu độc… Bên cạnh đó, chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, kết hợp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, vận động nêu cao tinh thần cảnh giác, sáng suốt lựa chọn, chia sẻ những thông tin hữu ích của mạng xã hội tạo thành phong trào rộng khắp trên môi trường mạng xã hội để xây dựng xã hội ngày càng tích cực, lành mạnh. Và, trên hết, mỗi công dân cũng cần là một “công dân mạng thông thái” và đề cao ý thức trách nhiệm công dân khi sử dụng mạng xã hội, hãy cân nhắc với mỗi chia sẻ, mỗi bình luận cá nhân khi sử dụng mạng xã hội.

Ngày 31/10, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2879/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng. UBND tỉnh  yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các điểm truy cập internet công cộng; đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng đảm bảo đúng quy định, lành mạnh, hữu ích và giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại, sai trái trên môi trường mạng đối với học sinh…

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác