11/03/2018 18:00
Qua ngày 8/3, như thành câu cửa miệng, chị em khi gặp nhau lại hỏi rằng, được chồng/con/người yêu… tặng quà gì? Nếu ai đó được tặng nhiều quà, có giá trị thì ắt rằng là những tiếng trầm trồ xuýt xoa, sao mà chị/em sung sướng, hạnh phúc thế. Còn nếu chị em nào đó trả lời rằng chẳng có chút quà nào thì kèm theo đó là những câu đại loại: Khổ lắm em, cả đời chị/em nào biết hoa, quà là gì; sao ông ấy thiếu quan tâm đến chị/em thế nhỉ…
Nhưng, liệu số hoa, quà có minh chứng cho tình yêu thương, sự tôn trọng của người khác giới trong gia đình dành cho mình? Nói cách khác, những người phụ nữ có nhiều hoa, nhiều quà và quà có giá trị đắt tiền liệu có thật sự hạnh phúc, sung sướng hơn những người ít có hoa, quà và thậm chí là không nhận được bất cứ bông hoa hay món quà nào cả?
Dịp 8/3 năm nay, phương tiện truyền thông trong cả nước liên tục đưa tin những vụ án mà nạn nhân là những người phụ nữ bị giết hại bởi chính những người bạn, người chồng thương yêu của mình. Chỉ vì chút ghen tuông, vì mâu thuẫn, vì phút giây bốc đồng…
Khi đọc những dòng tin này, nhiều phụ nữ đã không khỏi nao nao buồn. Phải chăng trong từng vụ việc đó, người phụ nữ có phần sai? Nhưng, chưa biết sai, đúng thế nào (còn do cơ quan chức năng điều tra làm rõ từng vụ việc), đáng lẽ và đáng ra những người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy không phải gánh chịu nỗi đau đớn bởi chính những người đàn ông mà họ từng yêu thương, từng quen biết. Ngẫm nghĩ lại, hẳn rằng, trong số những phụ nữ đó có người cũng đã từng được chính những người ra tay sát hại mình tặng hoa, tặng quà chúc mừng trong ngày 8/3 những năm trước đó(!?).
Suy cho cùng, phụ nữ là phái yếu. Khi cần sức mạnh, khi cần đương đầu… họ luôn khó ở thế thắng! Chị em phụ nữ vì thế rất cần sự quan tâm, yêu thương. Và sự quan tâm đó có lẽ không phải ở bó hoa to, hay món quà đắt tiền trong ngày 8/3 mà chính từ sự sẻ chia, tôn trọng trong cuộc sống thường ngày.
Vì chừng nào còn kiểu quan niệm, đàn ông phải làm việc lớn, hơi sức đâu mà nhúng tay vào mấy việc nhà, việc bếp núc nhỏ nhặt, vặt vãnh của đàn bà; đàn ông con trai sức dài vai rộng “sợ” gì mấy bà vợ, nhà có công có việc gì cứ thế mà quyết, cứ thế mà quát nạt cho vợ nể… thì dù có lẵng hoa to, có món quà sang trọng cũng chỉ mang tính nghĩa vụ mà cánh đàn ông mỗi năm thực hiện một lần.
Vì đôi khi, món quà đắt tiền chưa chắc đã tạo nên những cảm xúc rung động cho người phụ nữ. Họ cần nhiều hơn giá trị vật chất của một món quà. Trong gia đình, đó có thể là những bữa cơm sum vầy, đầy đủ tất cả thành viên của những ông chồng mê nhậu; có thể là những câu hát chưa tròn vành rõ chữ của con nhỏ dành cho mẹ, cho bà; đó có thể là những ngày bình yên, chị em không phải chịu những lời lẽ xúc phạm, những trận thượng chẳng chân hạ cẳng tay từ chính người thương yêu của mình…
Xa hơn, với những người phụ nữ là nhân viên vệ sinh môi trường đô thị, nếu có một ước mơ, nhiều khi chỉ mong sao các quý bà, quý cô vứt xả những lẵng hoa, những bó hoa đã tàn phai, những vỏ giấy gói quà đúng nơi đúng chỗ.
Còn những người phụ nữ bán hoa, chỉ mong ngày nào cũng bán được nhiều như ngày 8/3 để có thêm chút thu nhập cải thiện cho bữa ăn cho chồng, cho con mình…
Thế mới thấy, đôi khi, những món quà đơn giản, ít tốn kém lại có sức lay động trái tim người phụ nữ đến ngạc nhiên.
Bởi, được tặng hoa, được tặng quà trong ngày 8/3 – dù có sang trọng, đắt tiền đến như thế nào đi nữa cũng không đồng nghĩa với được tặng một cuộc sống yêu thương và chủ động. Hoa sẽ héo, quà dù có sang trọng hay đắt tiền cũng chỉ mang niềm phấn khởi đến trong một vài ngày. Nên những bó hoa và món quà cũng chỉ như vật trang trí cho cuộc đời thêm chút gia vị.
Sau chút lao xao tức thời với hoa và quà, hậu 8/3, chị em phụ nữ lại cặm cụi với công việc thường ngày, lại đối mặt với những buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau, với những lo toan vặt vãnh, cơm áo gạo tiền cho cả gia đình…
Hậu 8/3, chị em vì thế rất cần được nửa thế giới còn lại tôn trọng, chân thành sẻ chia, tin tưởng, yêu thương để có niềm vui lâu dài, niềm vui bền chặt, chứ không chỉ dừng lại chút lao xao của trong 1 ngày.
Liễu Hạnh