Hành trình vững bước

12/08/2023 06:24

32 năm sau ngày thành lập lại, hành trình vững bước của giáo dục- đào tạo đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và làm tốt xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Ngày 12/8/1991, tỉnh Kon Tum được thành lập lại theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII. Toàn tỉnh có 109 trường học từ mầm non đến THPT, với hơn 34.800 học sinh, 1.269 giáo viên. Hơn 43% trong tổng số 1.131 phòng học là tranh tre nứa lá. Ngoài  một số bàn ghế cũ, hầu hết các lớp đều chưa được đầu tư trang thiết bị, đồ dùng học tập.

Toàn tỉnh còn 108 làng “trắng” về giáo dục. Đội ngũ giáo viên không chỉ thiếu biên chế trực tiếp giảng dạy, mà trình độ chuyên môn, nghiệp vụ  cũng là  thử thách không nhỏ, vì nhiều giáo viên mầm non và tiểu học mới chỉ được đào tạo “công đoạn”. Cứ 10 người trong tỉnh mới có một người đi học và tỷ lệ người trong độ tuổi 15-35 chưa biết chữ còn chiếm tới 17,7%. Công tác huy động học sinh (HS) trong độ tuổi ra lớp và duy trì sĩ số HS ở vùng đồng  bào DTTS rất khó khăn.

Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành. Ảnh: TN

 

Đối mặt với thực trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ, ngay trong năm học đầu tiên, trọng tâm công tác được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tập trung là tranh thủ tối đa các nguồn lực để tạo điều kiện phục vụ giảng dạy - học tập, phát triển mạng lưới trường lớp đến tận thôn (làng) thuận lợi cho trẻ em trong độ tuổi đến lớp. Song song với tăng cường đào tạo từ Trường Trung cấp Sư phạm (sau là Trường Cao đẳng Sư phạm), dự án Việt - Bỉ đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ giáo viên tiểu học trong tỉnh. Yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được quan tâm thực hiện. Không chỉ tăng thời lượng học tập của HS thông qua  tổ chức dạy 2 buổi/ ngày, dạy phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS khá, giỏi; tăng cường tiếng Việt cho các cháu mầm non, HS tiểu học và THCS người đồng bào DTTS; yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của HS, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với người học được chú trọng, đề cao.

Gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, các cuộc vận động, phong trào trọng tâm của ngành luôn được đẩy mạnh thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả. Nhờ đó, năm 1996, toàn tỉnh đã xóa làng “trắng” về giáo dục. Năm 2008, Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS được triển khai sâu rộng, tạo bước chuyển tích cực về mọi mặt trong lĩnh vực này. Cuối năm 2009, tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được công nhận vào cuối năm 2010.            

Phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Ảnh: TN

   

32 năm sau ngày thành lập lại tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo có bước phát triển vững chắc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Gắn với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quy mô mạng lưới trường lớp được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh chóng, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn. Song song với đảm bảo thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa, công tác chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học được quan tâm triển khai, đạt kết quả khả quan. Trọng tâm thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” có sức lan tỏa tích cực.

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 359 trường mầm non và phổ thông, huy động gần 166.800 trẻ trong độ tuổi ra lớp, đạt 99,7% kế hoạch; có 11 cơ sở đào tạo được sắp xếp, kiện toàn (gồm Trường Cao đẳng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trung tâm GDTX tỉnh, 8 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện) đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nhân lực trong các ngành nghề, lĩnh vực.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 189 trường đạt chuẩn quốc gia - chiếm hơn 44% tổng số trường. Công tác phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được giữ vững, kết quả phổ cập THCS được duy trì. Hằng năm chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều có sự tiến bộ tương xứng. Năm 2023, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh đạt 98,74%, tăng 1% so với năm 2022. Điểm trung bình môn thi tốt nghiệp tăng 6 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên.

32 năm sau ngày được thành lập lại, tỉnh Kon Tum chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024, năm học được xem là năm học bứt phá của đổi mới giáo dục theo Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.           

Thanh Như

Chuyên mục khác