Hạnh phúc ngày gặp mặt

28/04/2023 06:50

Mấy chục năm trước, chiến trường khốc liệt in đậm dấu chân họ - những người lính quả cảm. 48 năm sau ngày giải phóng, mắt đã yếu, tay đã run, đầu đã bạc, những người lính năm xưa cố gắng để được tề tựu, hội ngộ bên nhau ôn lại chuyện cũ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Buổi gặp mặt gián đoạn bởi một người lính năm xưa phải nhờ đến sự trợ giúp của đội ngũ bác sĩ. Nghỉ mệt trên chiếc ghế sofa sau nhà khách, người thương binh với gương mặt tái nhợt vẫn thấy ấm lòng vì có đồng đội kề bên. Người nhà bảo rằng, từ sáng sớm, cơ thể đã có dấu hiệu mệt mỏi nhưng người thương binh ấy vẫn gắng gượng tham gia để gặp lại những người đồng đội thân thương nhất, vì nay mai, biết có còn cơ hội để tề tựu? Tuổi thanh xuân để lại chiến trường, giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, sức khỏe, khoảng cách lại trở thành vật cản, khiến những giây phút gặp nhau cũng trở nên khó khăn, cách trở.

Thăm hỏi, động viên đồng đội. Ảnh: HT

 

Bữa cơm hôm nay thịnh soạn hơn rất nhiều so với những bữa cơm giữa rừng năm nào, nhưng sao, trong niềm vui lại xen lẫn với nỗi buồn man mác. 48 năm- khoảng thời gian đủ để tàn phá sức khỏe của những thanh niên trai tráng một thời. Tay bắt mặt mừng, mỗi người đều trào dâng cảm xúc. Trong câu chuyện, họ vui mừng vì mình vẫn còn sống để chứng kiến sự thay da đổi thịt của mảnh đất hoang tàn thời chiến. Rồi họ lại lau nước mắt, tiếc nuối, tiếc thương cho những người đã mãi mãi chia tay đồng đội về với cõi vĩnh hằng.

Những câu chuyện đứt đoạn liên tục trong buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ từng hoạt động kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc bởi sự thăm hỏi rộn ràng. Những nụ cười mừng rỡ, những chiếc ôm xiết chặt, những lời hỏi thăm chân tình của những người lính năm xưa càng khiến buổi gặp mặt thêm ý nghĩa.

Đến từ sớm, ông Lê Tùng Lâm, nguyên cán bộ H5 chộn rộn, không thể ngồi yên. Ông tìm kiếm, trò chuyện, chia sẻ với đồng đội của mình. Ông trân quý từng giây, từng phút trong ngày tề tựu.

Rưng rưng xúc động, ông bộc bạch, ngày ấy, thiếu thốn trăm bề, nhưng lòng yêu nước vẫn dạt dào vô tận. Ngày ấy, sự sống và cái chết mong manh, bom rơi, máy bay địch quần trên đầu, chẳng ai dám nghĩ mình sẽ còn sống để trở về. Thế mà giờ đây, được tay bắt mặt mừng, được gặp lại đồng đội, còn hạnh phúc nào bằng. Thời chiến, chúng tôi mong ước được hòa bình, và giờ đây, khi hòa bình, chúng tôi ước mong mỗi năm đều có thể được gặp nhau để cùng ôn lại kỷ niệm một thời.

Gặp mặt đồng đội, chia sẻ kỷ niệm xưa. Ảnh: HT


Từ sáng sớm, cô Nguyễn Thị Thơm (du kích mật H5) cũng tranh thủ di chuyển từ huyện Đăk Tô xuống thành phố Kon Tum để hội ngộ đồng đội. Cô xúc động vô cùng khi thấy những đồng đội năm xưa vẫn còn khỏe mạnh, còn minh mẫn, còn nhớ như in những kỷ niệm năm nào. Cũng như đồng đội của mình, thanh xuân của cô thật rực rỡ, vì được cống hiến cho Tổ quốc.

“Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng. So với những đồng đội đã ngã xuống, chúng tôi may mắn hơn, hạnh phúc hơn vì được sống đến hôm nay. Chúng tôi nguyện mãi là ngọn đuốc sáng để soi dẫn con cháu đi theo ngọn cờ cách mạng, quyết tâm vì sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng, của đất nước nói chung” – cô Thơm chia sẻ.

Cũng như những cựu chiến binh khác, từ nhiều ngày nay, bà Phan Thị Lài cũng háo hức, phấn khởi chuẩn bị cho ngày gặp mặt. Bà chuẩn bị trang phục chỉnh tề, ngực áo cài huân, huy chương để được đi gặp đồng đội. Chỉ vào 3 chiếc Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà tự hào nói rằng, đó là phần thưởng cao quý nhất của bà, là động lực để tiếp tục cống hiến, đóng góp trong thời bình.

Tham gia kháng chiến chống Mỹ ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, năm 1984, bà Lài vào sinh sống tại Kon Tum, dù không có đồng đội trực tiếp chiến đấu cùng chiến trường, nhưng mỗi lần gặp mặt cán bộ, chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, với bà, đều là khoảng thời gian quý báu. Qua hồi ức, bà cùng các anh em, đồng đội chia sẻ những khốc liệt ở các chiến trường khác nhau, để thấy được ý chí, tinh thần quật cường của tất cả các cán bộ, chiến sĩ trên cả nước.

Chuyện trò rôm rả, bà thêm tự hào chia sẻ, hiện nay bà đang làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ tại phường Duy Tân. “Tôi đi kêu gọi, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Thanh xuân của tôi thật rực rỡ vì được chiến đấu, cùng các đồng đội bảo vệ Tổ quốc. Và giờ đây, tôi mong muốn, mình tiếp tục làm gương, sống, học tập theo gương Bác để con cháu noi theo” – bà Lài chia sẻ.

Những câu chuyện rôm rả dần khép lại. Buổi gặp mặt ý nghĩa rồi cũng đến hồi kết. Sau bữa cơm thân mật, ai nấy đều bịn rịn trong giờ phút chia tay. Những người lính động viên nhau cố gắng thể dục thể thao, ăn uống đảm bảo để giữ gìn sức khỏe. Đặc biệt, họ cũng khích lệ, cổ vũ nhau tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, góp sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển giàu đẹp.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác