Hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật

27/06/2022 13:49

Cùng là người khuyết tật, đồng cảm với những nỗi đau của nhau, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Phước và chị Nguyễn Thị Hồng Lan (thôn Kon Mơ Nây Ktu 2, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) luôn động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Đến với nhau bằng tình yêu thương, lấy các con là động lực, vợ chồng anh chị vững tâm, vượt qua gian khó, xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Anh Phước và chị Lan hạnh phúc bên hai con. Ảnh: HT

 

Tách trà mát như xoa dịu cơn nóng ngày hè. Trong ngôi nhà sạch bong, anh Phước, chị Lan nở nụ cười thật tươi, đon đả chào đón khách. Hai cậu con khôi ngô với đôi mắt sáng ngời cũng nhanh chóng chào hỏi. Tiếng cười, nói rộn ràng đủ chứng tỏ tình yêu thương, đầm ấm tràn đầy.

Anh Phước bị teo cơ từ 3 tuổi nên phải chống nạng mới có thể đi được; chị Lan cũng bị teo cơ nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Vì khuyết tật, khó làm những việc nặng nhọc nên hàng ngày, anh chị đi bán vé số để kiếm sống. “Mấy hôm nay ế, hai vợ chồng một ngày kiếm được hơn trăm ngàn thôi em” – anh Phước tâm sự.

Mức thu nhập eo hẹp, hai anh chị phải tính toán, chi tiêu hợp lý để đủ trang trải cho cuộc sống. Dù chật vật, song anh chị luôn cố gắng cho hai con học hành đàng hoàng. Đặc biệt, anh chị luôn đồng cam cộng khổ, chia sẻ nhiều hơn là than trách nên dù khó khăn về tài chính nhưng trong nhà ít xảy ra lục đục. 

Nhớ lại ngày trước, anh chị kể, cùng đi bán vé số, cả hai gặp nhau ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày xác định đến với nhau, cả hai lo lắng, nghĩ ngợi đến mất ăn mất ngủ. Anh chị lo khi lấy nhau, sinh con ra không lành lặn; không đủ điều kiện để lo cho các con.

Nỗi lo đó cũng chính là trăn trở của hai bên gia đình. Vậy nên, gia đình chị một mực không chấp thuận. “Mình còn không lo nổi cho mình, lấy nhau rồi, làm sao lo cho con cái..., bố mẹ chị can ngăn dữ lắm” – chị Lan kể lại. Thế nhưng, bằng tình yêu thương và nghị lực vươn lên, anh chị cũng được đồng thuận để đến với nhau.

Ngày lấy nhau, căn phòng trọ ọp ẹp 12m2 ở Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tá túc của gia đình nhỏ. Chị chăm con nhỏ, một mình anh phải lặn lội đi bán vé số để lo cho cả gia đình. Nhiều lúc anh mệt, xỉu giữa đường, người quen phải chở về. Nhưng khi tỉnh, nhìn thấy vợ con, anh lại cố gắng làm. Anh cứ tính, tiền bán vé số nửa tháng để lo trọ, nửa tháng để lo sữa cho con; hai vợ chồng muối dưa đắp đổi qua ngày.

Ngày chị sinh đứa thứ 2, cuộc sống như bế tắc. Đứa lớn đau, đứa nhỏ đau, vừa lo chi tiêu hằng ngày, lại còn ròng rã ở bệnh viện, áp lực đến nghẹt thở. Nhưng rồi, cả hai lại kề vai, động viên nhau cố gắng. “Hai vợ chồng phải xin cơm từ thiện ăn để chăm con” – chị Lan nhớ lại.

Quá chật vật, anh chị quyết định chuyển về Kon Tum sinh sống. Từ số ít tiền chắt chiu dành dụm, hai vợ chồng mượn thêm anh em trong gia đình, dựng một căn nhà nho nhỏ để ở tạm.

Dù cuộc sống vẫn khó khăn, nhưng an cư, lạc nghiệp, anh chị có thêm động lực để phấn đấu. Hàng ngày, anh đi bán vé số, chị ở nhà chăm con rồi trồng rau, nuôi gà. Anh chị chia sẻ với nhau mọi thứ trong cuộc sống. Bởi thế, dù khó khăn, nhưng ngôi nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.

Đất không phụ công người, chăm chỉ làm ăn, lại có thêm khoản tiền từ giải tỏa đền bù, anh chị đã trả được nợ cũng như sửa sang lại nhà cửa. Ngôi nhà khang trang hơn, rộng rãi, thoáng mát hơn. Trong vòng tay che chở của ba mẹ, dưới mái ấm gia đình hạnh phúc, hai cậu con trai khỏe mạnh, học giỏi, biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Với anh chị, như vậy là hạnh phúc, là niềm vui vô bờ.

Nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc, với vai trò là trưởng nhóm Nghị lực (75 thành viên, trong đó có 9 cặp vợ chồng), anh Phước luôn cùng với các thành viên chia sẻ những khó khăn, cùng khuyên bảo nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Anh cứ nói với tôi: “Có duyên gặp và trở thành vợ chồng, với những người khuyết tật, là may mắn lắm rồi. Vậy nên, có khó thế nào, chúng tôi cũng động viên nhau trân quý, yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Về kinh tế, chúng tôi thua nhiều người, nhưng tình yêu thương thì luôn ngập tràn dưới mái nhà”.          

Hoài Tiến

Chuyên mục khác