17/01/2019 06:36
Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Kon Tum, Cao Đăng Quế cho biết: Đến nay, trên địa bàn Chi cục Hải quan Kon Tum quản lý, 100% doanh nghiệp đã đăng ký và làm thủ tục hải quan điện tử. Cụ thể, việc khai báo hải quan của doanh nghiệp được thực hiện 24/7 và gửi hồ sơ làm thủ tục hải quan đều thông qua hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/CIS) của ngành hải quan, doanh nghiệp không phải đến trực tiếp tại trụ sở Chi cục, qua đó đã giảm đáng kể chi phí đi lại cũng như thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Năm 2018, Chi cục Hải quan Kon Tum đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho 135 bộ tờ khai XNK, với trị giá kim ngạch là 16.843.470,18 USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.083.497,42 USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 14.759.972,76 USD; thu nộp ngân sách nhà nước là 39.743.617.892 đồng, đạt 397,43% chỉ tiêu pháp lệnh cấp trên giao (10 tỷ).
|
Các văn bản chế độ, chính sách pháp luật về hải quan và các quy trình thủ tục hải quan được công khai đầy đủ, kịp thời tại trụ sở Chi cục và đăng tải trên Trang thông tin điện tử Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum cho người dân và doanh nghiệp biết để thực hiện; các vướng mắc của doanh nghiệp, người khai hải quan được Chi cục hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp kịp thời đúng quy định.
Nhờ áp dụng phương pháp quản lý hiện đại theo phương pháp quản lý rủi ro, dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan; đồng thời tập trung nguồn lực kiểm tra, kiểm soát những đối tượng có khả năng rủi ro cao và cố tình vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Cao Đăng Quế, việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính của ngành hải quan tại Chi cục Hải quan Kon Tum cũng gặp một số khó khăn. Dù lưu lượng hàng hoá XNK tại Chi cục không nhiều nhưng các mặt hàng khá phức tạp và đa dạng, đó là các mặt hàng máy móc, thiết bị, linh kiện, vật tư nhập khẩu tạo tài sản cố định của các dự án đầu tư để xây dựng nhà máy thủy điện. Điều này đòi hỏi cán bộ, công chức phải có trình độ chuyên môn sâu về phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa, kiểm tra tính thuế và kiểm tra thực tế hàng hóa…Vì vậy cán bộ, công chức Chi cục phải không ngừng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp thường kiêm nhiệm khai báo và làm thủ tục hải quan nên chưa thành thạo, do vậy cán bộ hải quan phải hướng dẫn cho doanh nghiệp khá vất vả…
Để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian tới, Chi cục Hải quan Kon Tum chỉ đạo cán bộ, công chức luôn phấn đấu và nâng cao năng lực để thực thi công vụ đạt hiệu quả, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK trên địa bàn, đảm bảo thông quan nhanh chóng và đúng pháp luật.
Song song đó, Chi cục Hải quan Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hoá hải quan giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 983/QĐ-TCHQ ngày 21/3/2017 của Tổng cục Hải quan; Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống VNACCS/VCIS; bảo đảm hệ thống vận hành ổn định. Tiếp tục triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Đẩy mạnh quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan; phối kết hợp có hiệu quả giữa Chi cục Hải quan Kon Tum với các đơn vị trong và ngoài ngành tại địa phương. Sắp xếp, phân công nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm trên cơ sở trình độ chuyên môn đã được đào tạo, năng lực sở trường công tác nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ theo từng giai đoạn của ngành Hải quan.
Mạnh Thắng